Kiểm tra đột xuất về VSATTP ( ảnh minh họa)
Tính riêng trong tháng 3 đã xảy ra 12 vụ ngộ độc thực phẩm làm 233 người mắc, 216 người đi viện, 3 người tử vong. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm được xác định chủ yếu do độc tố tự nhiên, vi sinh vật, do hóa chất; một số vụ chưa xác định được nguyên nhân. Đáng lưu ý, tình trạng ngộ độc rượu do có chứa cồn công nghiệp methanol, do ngâm cây rừng có chứa các độc tốtự nhiên trong mùa lễ hội xuân vẫn ở mức đáng báo động.
Hà Nội đẩy mạnh kiểm tra, phòng chống ngộ độc thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.Cùng với tình hình an toàn thực phẩm, cũng trong 3 tháng đầu năm, cả nước có hơn 4,5 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 11,4 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (1 trường hợp tử vong); 95 trường hợp mắc bệnh thương hàn; 85 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút (2 trường hợp tử vong); 53 trường hợp mắc bệnh ho gà; 27 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn ở người (3 trường hợp tử vong).
Kiểm soát chặt chẽ ATTP từ khâu SX đến bàn ăn
Với thực trang như vậy,mới đây, UBND TP Hà Nội ban hành Văn bản số 1322/UBND-KGVX về thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg về an toàn thực phẩm (ATTP)
Theo đó, UBND TP giao Sở Y tế là đơn vị thường trực, tham mưu, phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện và tổng hợp báo cáo kết quả hoạt động thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, tăng cường truyền thông về ATTP và thanh kiểm tra trong các đợt cao điểm (dịp Tết, mùa Lễ hội, Tháng hành động ATTP...); tiếp tục triển khai kế hoạch chương trình truyền thông “Chung tay vì ATTP” theo Kế hoạch số 203/KH-UBND ngày 30/11/2015 của UBND TP giai đoạn 2015 - 2020.
Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các đơn vị truyền thông, các đoàn thể hướng dẫn nông dân trong sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, phổ biến kiến thức, viết các bài tuyên truyền về ATTP đối với các sản phẩm nông nghiệp; phối hợp với các đơn vị truyền thông, đoàn thể hướng dẫn doanh nghiệp, người sản xuất, chế biến thực phẩm áp dụng các quy trình, hệ thống quản lý thực phẩm tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP...
Sở Công thương phối hợp các đơn vị truyền thông, đoàn thể hướng dẫn doanh nghiệp, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực công thương quản lý thực hành sản xuất tốt áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến như ISO, HACCP....
Các sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để thực hiện truyền thông về ATTP cho các đối tượng theo hướng dễ dàng tiếp cận. Đa dạng hóa hình thức, phương thức truyền thông phù hợp.
UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan thông tin, truyền thông trên địa bàn tăng cường truyền thông về ATTTP. Tiếp tục thực hiện chương trình truyền thông “Chung tay vì ATTP” theo Kế hoạch số 203/KH-UBND ngày 30/11/2015 của UBND TP giai đoạn 2015 - 2020.
Linh Tuệ (t.h)