Nỗi lo thường trực

Trên địa bàn Hà Nội, tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại những ngày giáp Tết, các mặt hàng thực phẩm được bày bán khá phong phú, đa dạng về chủng loại từ bánh kẹo, rượu, các gói quà Tết của nhiều hãng khác nhau. Bên cạnh những mặt hàng bảo đảm an toàn về chất lượng, đầy đủ các thông tin như thành phần, hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ… cũng có không ít các loại hàng hóa, bánh, mứt kẹo, thực phẩm được nhập không rõ nguồn gốc, khiến người tiêu dùng (NTD) lo sợ về sức khỏe của chính mình.

Thực trạng này đã gióng lên nỗi lo về ATTP, bởi chỉ trong tháng 12/2018, liên tục tại nhiều địa phương, cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển thực phẩm bẩn, không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP).

An toàn thực phẩm dịp Tết: Người tiêu dùng lo “ngay ngáy”? - Hình 1

Người tiêu dùng nên mua hàng tại các cơ sở có uy tín để đảm bảo vệ sinh ATTP Tết nguyên đán 2019

Ngày 20/12, Ban Quản lý ATTP (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, vừa phát hiện và kịp thời ngăn chặn một vụ vận chuyển heo không đảm bảo chất lượng vào thành phố tiêu thụ. Theo đó, qua công tác kiểm tra và giám sát, Đội Quản lý ATTP số 9 thuộc Ban Quản lý ATTP phát hiện chiếc xe tải mang biển kiểm soát 51D-24858 vận chuyển thịt heo đã được giết mổ, phân mảnh (khoảng 40 con heo) có những dấu hiệu bất thường. Tất cả viền móng chân của heo đều có mụn nước đã vỡ gây viêm loét, các móng chân bị bong tróc, không còn bám chặt vào bàn chân. Ngoài ra, trên thịt heo còn xuất hiện các hạch sưng to, sung huyết, xuất huyết. Bước đầu đấu tranh, người vận chuyển lô hàng khai nhận, số thịt heo trên có nguồn gốc từ tỉnh Long An. Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã lập biên bản toàn bộ lô thịt heo nói trên, tiến hành tiêu hủy theo quy định.

Vào ngày 29/12, Đội tuần tra kiểm soát Đồn Biên phòng Hải Hòa phối hợp với Đội đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP Quảng Ninh) đã kịp thời phát hiện, bắt quả tang đối tượng Lê Đình Sáng (SN 1984, thường trú tại Hải Tiến, TP Móng Cái) đang điều khiển đò từ sông biên giới vào nội địa.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện trên đò chở 8 lồng gỗ chứa 735 con chim cu thịt. Toàn bộ số gia cầm trên không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Ngay tại các khu vực chợ TP. Hà Tĩnh, vào ngày 28/12, tổ công tác do Đội Cảnh sát Kinh tế Công an TP. Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra tại các quầy hàng trong khu vực chợ.

Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nguồn hàng bao gồm: thịt gà, nội tạng từ gà tại quầy số 45, trong Đình thực phẩm chợ Hà Tĩnh do bà chị Lê Thị Hương (1970, trú tại khối 2, phường Văn Yên, TP. Hà Tĩnh) làm chủ hộ kinh doanh có nhiều biểu hiện nghi vấn. Tại hiện trường, bằng các biện pháp nghiệp vụ. tổ công tác đã phát hiện, thu giữ 38 kg thịt gà và các bộ phận khác từ gà đã hư hỏng, biến đổi màu sắc, quá hạn sử dụng và bắt đầu bốc mùi hôi thối.

Cơ quan chức năng buộc chủ hàng tiêu hủy toàn bộ số hàng trên.

Theo chị Hoàng Thanh ( Cầu Giấy – Hà Nội) chia sẻ: “Vào dịp cuối năm hàng hóa thì tăng giá, mấy năm trước đây nhà chị hay ra chợ mua đồ về tích trữ từ sớm, nhưng bây giờ hàng hóa không rõ xuất xứ quá nhiều. Hàng lậu, hàng nhái cũng tràn lan vì lo ngại cho sức khỏe của gia đình nên 2 năm qua chị chỉ vào siêu thị hay các trung tâm thương mại uy tín để mua những đồ cần thiết cho tết”.

Huy động mọi nguồn lực để đảm bảo ATTP dịp Tết Nguyên đán, lễ hội

Thời điểm cuối năm, không khí mua sắm trên thị trường đã sôi động hơn trước. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu giới thiệu các sản phẩm phục vụ dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đến người tiêu dùng. Trước nhu cầu tiêu dùng thực phẩm dự báo sẽ tăng cao, Ban Chỉ đạo liên ngành TW về ATTP vừa ban hành kế hoạch về việc triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa lễ hội Xuân 2019. Theo đó sẽ thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Lào Cai, Yên Bái, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đăk Nông, Đồng Tháp, Tiền Giang từ ngày 1/1 - 25/3/2019. 

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế cho biết, việc thanh tra, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như: bánh kẹo, mứt, bia, rượu, nước giải khát; thịt cá, trứng, sữa, các loại trái cây và các dịch vụ ăn uống khác, nhằm hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Trước, trong và sau Tết, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng mạnh, hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng diễn biến phức tạp. Để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết, lực lượng chức năng đã tăng cường phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Theo đó, các tỉnh, thành phố đẩy mạnh kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, ngăn chặn lây lan dịch bệnh, nhất là ngăn chặn tình trạng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật bất hợp pháp qua biên giới; không để bùng phát dịch bệnh trước, trong và sau Tết Nguyên đán; thực hiện nghiêm, có hiệu quả Kế hoạch hành động năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản tuân thủ các quy định bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; hướng dẫn người dân nhận biết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm đã được kiểm soát và chứng nhận an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm an toàn, địa chỉ bán sản phẩm an toàn để người tiêu dùng tiếp cận, lựa chọn.

Trang Nguyễn