Trước đó liên quan tới bài viết Thương hiệu và Công luận đã đăng tải: “Chuỗi cửa hàng mẹ và bé An Ú ở Bắc Ninh bán nhiều hàng lậu, hàng nghi trốn thuế, không nguồn gốc”, và bài viết“Quản lý thị trường Bắc Ninh liệu có “chống lưng” kéo dài thời gian cho hệ thống cửa hàng Mẹ bầu và Em bé An Ú hợp thức hoá sai phạm?”. Sau khi gửi công văn liên hệ làm việc thì phải tới 1 tháng sau Thương hiệu và Công luận mới nhận được văn bản phản hồi của Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh do Cục phó Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh Trần Duy Hưng ký, trước những sai phạm được PV ghi nhận thực tế, phía quản lý thị trường Bắc Ninh vẫn khẳng định, 5/6 cửa hàng thuộc hệ thống siêu thị mẹ và bé An Ú Bắc Ninh không hề có vi phạm hàng hoá, và chỉ duy nhất 1 siêu thị vi phạm được nhận xử phạt “nương tay” với số tiền vỏn vẹn hơn 4 triệu đồng. Dư luận đặt câu hỏi có hay không việc Quản lý thị trường Bắc Ninh tạo điều kiện kéo dài thời gian để doanh nghiệp được hợp thức hoá sai phạm có hệ thống?
Tuy nhiên, trái với những gì trong biên bản Quản lý thị trường Bắc Ninh ghi nhận, mặc dù đã được Quản lý thị trường Bắc Ninh “ưu ái“ cho cả tháng trời hợp thức hoá sai phạm thì tại cửa hàng An Ú 168 Trần Quang Đạo, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh hàng hoá vẫn tồn tại nhiều lỗi vi phạm có tính hệ thống.
Cụ thể, theo văn bản trả lời của Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh thì tại cửa hàng An Ú 168 Lê Quang Đạo, TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh không hề có vi phạm về nguồn gốc hàng hoá, tuy nhiên trái ngược với văn bản kết luận của Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh, ngày 07/05 PV Thương hiệu và Công luận đi khảo sát (tức là sau 1 tháng kể từ khi Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh ra công văn số 225/CQLTT-TTPC trả lời thông tin phản ánh CV của Thương hiệu và Công luận).
Ghi nhận thực tế của PV tại cửa hàng An Ú 168 Lê Quang Đạo, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh ngày 07/05, hàng hóa ở đây đã ít hơn trước đây chúng tôi đến. Cả 1 dãy kệ bày nhiều loại bỉm cho trẻ từ sơ sinh đến 12 kg, toàn hàng ngoại thì chỉ nửa số mặt hàng có nhãn phụ tiếng Việt. Còn lại vẫn toàn tiếng nước ngoài như trong ảnh và clip.
Vì dán tem để hợp thức hoá nên khoảng 1/3 số bỉm trên kệ 03 không vẫn được bày bán chềnh ềnh tại cửa hàng An Ú 168 Lê Quang Đạo, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh..
Nhiều hàng hóa như sữa cho trẻ em, đồ chơi đã được dán nhãn phụ tiếng Việt nhưng kiểu dán để cho có, dán đè hết lên thông tin của sản phẩm. Như trong hình.
Vì tem dán để cho có nên trên sản phẩm nước Hồng sâm cho trẻ em này không hề thấy tên đơn vị nhập khẩu.
Tiếp theo, đồ để bôi cho đỡ khô da, bôi khi trẻ bị ngứa, bị muỗi đốt, thì đây.
Có dán nhãn phụ Tiếng Việt nhưng tìm mãi không thấy ngày sản xuất, chỉ thấy hạn sử dụng ghi là 4 năm kể từ ngày sản xuất và đối với đồ uống cho trẻ là 18 tháng nhưng tìm ngày sản xuất thì mỏi mắt không thấy.
Với loại kem bôi cho trẻ sơ sinh chúng tôi đề cập ở trên, nhân viên bán hàng thắc mắc: "Người mua không hỏi kỹ như cô đâu. Cô cứ bảo mẹ của bé ra đây cháu hướng dẫn cách dùng".
Vậy, shop bán hàng kiểu An Ú, có được bán kem bôi da, trị ngứa không? Nhân viên bán hàng "hiểu sâu sản phẩm" đến mức nào mà tự tin tư vấn thế?
Trong khi, cô nhân viên bán hàng trực tiếp cho PV thì đang tất bật tìm, tra cứu xem, ngày sản xuất ở đâu, để trao đổi với khách mua hàng.
Từ khi PV hỏi đến lúc nhân viên bán hàng chỉ cách, chữ này, ký hiệu kia... nó thể hiện ngày tháng, năm sản xuất thì mất hơn 60 phút.
Trong khi nhãn phụ tiếng Việt ghi rõ là ngày sản xuất, hạn sử dụng trên bao bì...
Tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP quy định: Nhãn hàng hóa bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc: Đây là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó (được quy định tại khoản 3, Điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là Tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang Tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Quy định của pháp luật về việc ghi, sử dụng nhãn phụ: Ngôn ngữ bắt buộc của nhãn phụ là Tiếng Việt; các trường hợp bắt buộc phải có nhãn phụ là hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam: Trong đó bao gồm các hàng hóa mà nhãn gốc chưa thể hiện đủ nội dung bắt buộc; hàng hóa có nhãn gốc sử dụng ngôn ngữ là tiếng nước ngoài.
Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Cùng với đó, tại Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung về tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa.
Theo đó, trường hợp không thể thể hiện tất cả nội dung bắt buộc trên nhãn thì các nội dung: Tên hàng hóa; Tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Xuất xứ hàng hóa... phải được ghi trên nhãn. Những nội dung bắt buộc khác phải được ghi trong tài liệu kèm theo và trên nhãn hàng hóa phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.
Ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hóa, những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn phải được ghi bằng tiếng Việt (trừ một số quy định khác). Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.
Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, đối với sản phẩm là hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài khi lưu hành tại thị trường Việt Nam bắt buộc phải có tem nhãn phụ hay tem nhãn bằng tiếng Việt.
Trước đó, Tạp chí Thương hiệu và Công luận cũng đã có bài viết phản ánh “Cửa hàng An Ú Store Hạ Long bán hàng giả, không nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn tiếng Việt” có địa chỉ tại LK29-30 Shophouse ngã 4 Loong Toong, phường Yết Kiêu, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh khi ngang nhiên bày bán số lượng lớn các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không tem nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định. Ngay sau phản ánh của Thương hiệu và Công luận, Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh đã vào cuộc xử lý và ra quyết định xử phạt 50 triệu đồng với sai phạm này, cùng với đó là tịch thu toàn bộ hàng hoá sai phạm về nhãn mác.
Trước những bằng chứng rõ ràng mà PV thu thập được, việc dư luận nghi ngờ, Quản lý thị trường Bắc Ninh "chống lưng" cho An Ú. Đề nghị Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh, UBND tỉnh Bắc Ninh kiểm tra làm rõ, không để tình trạng bán hàng hóa trong siêu thị không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Được biết, Bắc Ninh là tỉnh có nền kinh tế thương mại, hàng hóa phát triển bậc nhất ở khu vực miền Bắc. Người tiêu dùng của Bắc Ninh thông thái, vì thế chắc chắn họ không chấp nhận hàng hóa thiếu chuẩn.
Thương hiệu và Công luận sẽ gửi đến bạn đọc những thông tin tiếp theo.
Nhóm PV