Gia công sản phẩm may mặc xuất khẩu tại Công ty CP may Hùng Vương (Phú Thọ)
Theo báo cáo về tình hình lao động việc làm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), cả nước hiện nay có hơn 55 triệu lao động có việc làm. Trong đó gần 15 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp; hơn 9 triệu lao động đang làm việc trong các hợp tác xã, cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp.
Số lao động làm trong các doanh nghiệp thuộc các ngành nông nghiệp, lâm nghệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; vận tải, kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống là 8,8 triệu lao động.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong tháng 2, theo báo cáo nhanh của các doanh nghiệp, có khoảng 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất. Bước sang đầu tháng 3, đặc biệt tuần thứ 2 của tháng 3, khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, số lượng doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với khoảng trên 15% trong tổng số doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp thực hiện cắt giảm tập trung vào ngành dệt may với gần 2,8 triệu lao động đang làm việc; nhiều doanh nghiệp đã phải áp dụng các biện pháp giãn ca, không làm thêm giờ, đặc biệt là vào Thứ bảy, Chủ nhật.
Cụ thể, lĩnh vực Dịch vụ vận tải hàng không, vận tải đường sắt, đường bộ, hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho vận tải với gần 500.000 lao động đang làm việc, trong đó vận tải hàng không thực hiện cắt giảm lương từ 20%-40% tùy vào từng vị trí, chưa sa thải nhân viên nhưng đang áp dụng biện pháp cho nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì nguy cơ hàng ngàn lao động thuộc ngành này cũng sẽ bị mất việc làm trong thời gian tới.
Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống với hơn 500.000 lao động đang làm việc cũng gặp rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn vay, lãi xuất ngân hàng và gánh nặng chi phí tiền thuê mặt bằng bắt buộc phải ngừng hoạt động nhưng hầu hết các doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động thực hiện cắt giảm lương, giãn ca hoặc cho nhân viên nghỉ không lương để người lao động có thể quay trở lại làm việc ngay sau khi phục hồi kinh doanh.
Thị trường xuất khẩu hàng nông thủy sản bị tác động mạnh, hầu hết các sản phẩm trái cây tươi như thanh long, dưa hấu và các sản phẩm thủy hải sản tồn đọng do thị trường Trung Quốc ngưng tiêu thụ ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống và công ăn việc làm của hàng ngàn nông dân và công nhân ngành nông nghiệp và thủy hải sản.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động đến thị trường lao động còn thể hiện qua các chỉ số: Nhu cầu tuyển lao động ở tất cả các địa phương đều giảm so với cùng kỳ năm 2019, mức độ giảm dao động từ 20-30%, thậm chí có nơi giảm mạnh như thành phố Hồ Chí Minh tới 40%, Thành phố Hà Nội 36,7%...
Nguyên nhân nhu cầu tuyển dụng giảm do các ngành sử dụng lao động lớn nhất (dệt may, hàng không, dịch vụ, du lịch…) là những ngành bị tác động mạnh của Covid-19 do thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc, khách du lịch chiếm tỷ trọng lớn (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…) không đến hoặc bị tạm dừng cấp thị thực đến Việt Nam do dịch bệnh…
Hoan Nguyễn