Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về dự và bấm nút khởi công 2 dự án.

Cùng tham dự lễ, có đại diện các bộ Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính…; lãnh đạo 2 địa phương Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu Phạm Viết Thanh dự lễ khởi công cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu Phạm Viết Thanh dự lễ khởi công cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (Ảnh: PV)

Rút ngắn thời gian di chuyển từ Thành phố HCM đi Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ còn 70 phút

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7 km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 18.000 tỷ đồng, gồm 3 dự án thành phần. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được Chính phủ giao làm đơn vị chủ quản Dự án thành phần 3 dài khoảng 19,5 km với tổng mức đầu tư 4.964 tỷ đồng.

Điểm đầu dự án thành phần 3 tại Km34+200, đường Tô Nguyệt Đình, xã Phước Bình (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), giáp ranh với địa phận thị xã Phú Mỹ. Điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 56 thuộc xã Hòa Long (thành phố Bà Rịa).

Phối cảnh dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Phối cảnh dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát biểu tại lễ khởi công cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát biểu tại Lễ khởi công cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (Ảnh: PV)

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Đây là dự án giao thông trọng điểm quốc gia mà Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 154 của Chính phủ về phát triển vùng Đông Nam Bộ, xác định đến năm 2026 phải hoàn thành đưa vào sử dụng.

Chủ tịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng thông tin: Dự án mở ra tuyến giao thông kết nối các địa phương trong khu vực với hệ thống cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải, sân bay Long Thành, giúp giảm tải QL51 và rút ngắn thời gian di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Bà Rịa dự kiến chỉ còn 70 phút thay vì 150 phút như hiện nay.

Chủ tịch Nguyễn Văn Thọ gửi lời cảm ơn tới bà con nhân dân đã đồng thuận cao trong công tác bồi thường, bàn giao mặt bằng. Đồng thời, cam kết với Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ triển khai dự án với quyết tâm cao nhất, bảo đảm chất lượng của dự án, thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong đầu tư, bảo đảm an toàn lao động, phấn đấu hoàn thành dự án vượt trước kế hoạch đề ra.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai và Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, lãnh đạo các bộ, ngành, hai địa phương bấm nút khởi công
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai và Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, lãnh đạo các bộ, ngành, 2 địa phương bấm nút khởi công (Ảnh: PV)

Cầu Phước An giúp rút ngắn gần 30 km từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến miền Tây Nam Bộ

Ngay sau lễ khởi công cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, trong buổi sáng 18/6, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đồng thời tổ chức Lễ khởi công xây dựng cầu Phước An.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự lễ khởi công cầu Phước An
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự lễ khởi công cầu Phước An (Ảnh: PV)
Ông Nguyễn Văn Trình, Giám đốc Ban QLDA Giao thông khu vực Cái Mép – Thị Vải báo cáo đầu tư dự án cầu Phước An
Ông Nguyễn Văn Trình, Giám đốc Ban QLDA Giao thông khu vực Cái Mép – Thị Vải báo cáo đầu tư dự án cầu Phước An (Ảnh: PV)

Báo cáo công tác triển khai dự án, ông Nguyễn Văn Trình, Giám đốc Ban QLDA Giao thông khu vực Cái Mép – Thị Vải, đại diện chủ đầu tư cho biết: Cầu Phước An được thiết kế với biểu tượng hình “Cánh Buồm”. Tổng chiều dài 4,7 km, trong đó, chiều dài phần cầu là 3,5 km, bề rộng mặt cầu dẫn 23,5 m, mặt cầu chính là 27 m, đảm bảo cho 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.

Tổng mức đầu tư dự án hơn 4.778 tỷ đồng, được Trung ương đầu tư 2.000 tỷ đồng, số vốn còn lại do địa phương cân đối.

Đây là cây cầu đóng vai trò kết nối tuyến đường Liên cảng Cái Mép - Thị Vải với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và với các tuyến cao tốc liên vùng như Bến Lức - Long Thành, rút ngắn gần 30 km quãng đường vận chuyển hàng hóa đi miền Tây Nam Bộ và ngược lại.

Ngoài ra, khi hoàn thành, cầu Phước An còn giúp kết nối toàn bộ nhóm cảng biển số 4 là nhóm cảng biển lớn nhất Việt Nam với khu vực miền Đông Nam Bộ, giảm tải cho Quốc lộ 51.

Ông Trình cũng cho biết: Cùng với dự án Cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu, việc triển khai xây dựng dự án cầu Phước An sẽ hình thành 2 trục giao thông kết nối phía đông –  phía tây của vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Đây là những “mắt xích” quan trọng nối liền huyết mạch kinh tế, đánh thức tiềm năng của tỉnh, góp phần hoàn thành mục tiêu tại Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng các đại biểu nhấn nút khởi công cầu Phước An
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng các đại biểu nhấn nút khởi công cầu Phước An (Ảnh: PV)
Phối cảnh dự án
Phối cảnh dự án (Ảnh: PV)

Dự kiến, thời gian hoàn thành dự án là sau 5 năm khởi công.

Hai dự án khởi công hôm nay, cùng với dự án nâng cấp, mở rộng đường ven biển Vũng Tàu – Bình Thuận, được khởi công trước đó 17/6, sẽ giúp địa phương này giải quyết bài toán giao thông kết nối, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn công nghiệp, cảng biển và du lịch.

Thanh Huyền