Từ tỉnh nông nghiệp chiếm chủ yếu, đến nay, BR-VT đã đưa cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ (sản xuất công nghiệp đóng vai trò chủ đạo); GRDP giai đoạn 2021 -2023 tăng bình quân 5,94%/năm. Năm 2023, BR-VT thu hút 61.600 tỷ đồng vốn đầu tư mới và vốn tăng thêm của các dự án (tương đương 2,52 tỷ USD), vượt gần 50% kế hoạch; trong đó, vốn FDI đạt trên 1,4 tỷ USD, tăng 92% so 2022.
BR-VT được biết đến là trung tâm phát triển dầu khí của cả nước, có đóng góp quan trọng, đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của cả nước nói chung và BR-VT nói riêng. Nhìn nhận được những tác động bất ổn giá dầu, cùng với sự hữu hạn trữ lượng các mỏ ngoài khơi, BR-VT đã chủ động, đa dạng hóa trong phát triển kinh tế, sớm có chiến lược giảm phụ thuộc vào ngành công nghiệp khai khoáng này.
Chính vì lẽ đó, BR-VT thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến - chế tạo với hệ thống các KCN ven biển, thúc đẩy kinh tế hàng hải, khai thác cảng biển nước sâu, các ngành thương mại và dịch vụ, nhất là du lịch biển. Trong đó, ngành kinh tế hàng hải đang là điểm sáng, không phải chỉ riêng cho BR-VT, mà còn với cả vùng Đông Nam Bộ, cũng như cả nước.
Toàn tỉnh có 53 cảng biển đang khai thác với tổng chiều dài bến cảng 19,4 km, tổng công suất gần 180 triệu tấn/năm. Khu vực Cái Mép - Thị Vải có 35 bến cảng, đã đưa vào khai thác 22 bến cảng với công suất gần 120 triệu tấn/năm (gồm 7 cảng container công suất 6,8 triệu TEU/năm). Đây là cụm cảng đầu tiên của Việt Nam và nằm trong 20 cảng trên thế giới có thể đón được tàu container siêu lớn hơn 200.000 tấn.
Trưởng nhóm Tư vấn xây dựng đề án Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng: Mặc dù có lợi thế cảng biển với khối lượng hàng hóa luân chuyển qua cảng rất lớn, nhưng BR-VT vẫn chưa có trung tâm logistics đúng nghĩa, chưa có cảng cạn (ICD). Các tiềm năng từ dịch vụ logistics, chưa được khai thác triệt để.
Về phát triển du lịch, tuy lượng khách đến tỉnh hằng năm khá lớn (năm 2023, đạt hơn 14 triệu lượt khách), song chủ yếu vẫn là khách nội địa, thăm quan trong ngày, không lưu trú hoặc lưu trú ít ngày.
Các chuyên gia nhìn nhận, BR-VT có khả năng phát triển năng lượng tái tạo rất tốt, nhất là điện gió ngoài khơi với tổng tiềm năng kỹ thuật điện gió khoảng 6.493MW (điện gió trên bờ và gần bờ công suất 333MW, điện gió ngoài khơi 6.160MW). Tuy nhiên, lĩnh vực này còn khá mới mẻ đối với BR-VT và đang trong giai đoạn nghiên cứu.
3 đột phá, 4 động lực phát triển
Trên cở sở dữ liệu phân tích thực trạng, lợi thế, tiềm năng, đặt trong sự so sánh với các địa phương trong nước và các nước trong khu vực, đơn vị tư vấn xây dựng đề án đưa ra mô hình kinh tế biển tỉnh BR-VT:
Phát triển du lịch biển đảo; phát triển kinh tế hàng hải (cảng biển, dịch vụ logistics cảng biển, các dịch vụ vận tải biển, khu thương mại tự do Cái Mép hạ); phát triển công nghiệp khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; phát triển công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo, nuôi trồng và khai thác thủy sản; phát triển các ngành kinh tế biển mới; phát triển đô thị biển đảo, đô thị và dân cư ven biển; phát triển KH&CN biển; phát triển nguồn nhân lực biển.
Để trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, BR-VT đề ra 3 khâu đột phá:
Hoàn thiện thể chế; Phát triển KH&CN và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao; Phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, kết nối các trung tâm kinh tế lớn trong vùng và cả nước);
Và 4 trọng tâm - động lực phát triển (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn); 11 giải pháp, trong đó cốt lõi vẫn là phát triển cơ sở hạ tầng; hình thành quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng chung Vùng Đông Nam Bộ; hình thành đại học/viện nghiên cứu kinh tế đại dương xanh quốc gia tại BR-VT…
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn đề xuất nghiên cứu và thí điểm 4 công cụ mới trong huy động nguồn lực đó là phí đầu tư cơ sở hạ tầng, phí quyền xây dựng, phí bù đắp đa dạng sinh học và huy động trái phiếu đô thị. Đối với cơ chế, chính sách về tiếp cận đất đai và tài nguyên, tỉnh cần nghiên cứu giải pháp các nước đang sử dụng như gộp đất, ngân hàng đất đai, thu phí đất chưa sử dụng…
Đề án xây dựng lần này, BR-VT đề xuất được áp dụng cơ chế đặc thù đối với Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ; áp dụng cơ chế (NQ98/QH15 áp dụng cho cả vùng).
Tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, nguyên Bí thư Tỉnh ủy BR-VT Nguyễn Tuấn Minh cho rằng:
“Có những vấn đề, không thể tỉnh BR-VT làm được, mà phải có giải pháp, sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương. Cùng với đó, chúng ta cần phải có cơ chế phân cấp, phân quyền rõ ràng, giao quyền hạn và trách nhiệm cụ thể cho địa phương.
Vùng biển BR-VT không phải chỉ của BR-VT, mà còn phục vụ sự phát triển chung của khu vực, do đó chúng ta cần có cơ chế và giải pháp để khai thác hiệu quả nhất cụm cảng Cái Mép - Thị Vải”.
TSKH, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn góp ý: Để BR-VT trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, cần thiết phải hợp tác với đô thị vùng TP. HCM; phân vùng, tách biệt, hài hòa “vùng xanh và vùng nâu” phát triển du lịch và phát triển công nghiệp. Phát triển giao thông công cộng để tăng động lực và tính khả thi cho các dự án đô thị mới. Tuyến metro từ TP. HCM – Long Thành – Vũng Tàu, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.
Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ và Vận tải biển Vũng Tàu Nguyễn Văn Cẩm đề xuất, trong đề án, chúng ta cần đánh giá thêm các vấn đề rủi ro, tổn thất trên biển có thể xảy ra; từ đó, thành lập sở chỉ huy địa phương - ứng phó các tình huống khẩn cấp, tránh gây ra các thiệt hại lớn.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ cho biết: Qua 2 kỳ hội thảo, BR-VT ghi nhận nhiều ý kiến có giá trị, tạo cơ sở dữ liệu, luận cứ quan trọng, giúp địa phương nhận diện rõ những lợi thế, các “nút thắt” ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành kinh tế biển, xác định các khâu đột phá mang tính chiến lược và các giải pháp trọng tâm, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển, từ đó bổ sung, hoàn thiện Đề án hiệu quả, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại Hội nghị triển khai Quy hoạch tỉnh BR-VT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh khẳng định:
Trung ương đã tập trung đầu tư các dự án hạ tầng đồng bộ với quy mô lớn nhất từ trước tới nay và đang được khẩn trương xây dựng. Chỉ 2 năm nữa, sẽ biến Vùng Đông Nam Bộ và BR-VT trở thành nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện để biến tiềm năng thành các cơ hội mới trong các lĩnh vực công nghiệp, cảng biển - logistics, du lịch – đô thị, dịch vụ chất lượng cao...
Thanh Huyền