Sáng 16/11, HĐXX tiếp tục xét hỏi các bị cáo thuộc nhóm “tổ chức đánh bạc” và “mua bán trái phép hóa đơn” trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua mạng Internet.

Đáng chú ý trong phần này, HĐXX tập trung xét hỏi đối với bị cáo Lê Thị Lan Thanh (sinh năm 1981, trú tại 53A, ngõ Văn Chương, phường Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội), bị cơ quan tố tụng truy tố về tội danh “tổ chức đánh bạc” và “mua bán trái phép hóa đơn” với số tiền gần 5.000 tỷ đồng.

“Bà trùm” viễn thông Lê Thị Lan Thanh mở 5 CT để đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn - Hình 1

Bị cáo Lê Thị Lan Thanh

Để tiếp tay cho hoạt động đường dây đánh bạc nghìn tỷ này, Thanh đã mượn tên để thành lập năm công ty và trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông gồm: Công ty cổ phần công nghệ và dịch vụ Netviet; Công ty TNHH phát triển dịch vụ và giải trí Đất Việt; Công ty TNHH công nghệ thương mại và truyền thông Tam Giác; Công ty cổ phần viễn thông và giải trí số Việt Nam và Công ty TNHH truyền thông BIBO.

Trả lời HĐXX, Lê Thị Lan Thanh thừa nhận hành vi phạm tội "Mua bán trái phép hóa đơn" nhằm hợp thức số tiền thanh toán không có hóa đơn cho Công ty CNC. Tuy nhiên, về hành vi "Tổ chức đánh bạc", Thanh đã phủ nhận dẫn đến tranh luận gay gắt giữa bị cáo (và luật sư bào chữa cho bị cáo - viện kiểm sát - điều tra viên).

Cơ quan điều tra xác định, Lê Thị Lan Thanh được hưởng lợi bất chính từ hành vi giúp sức tổ chức đánh bạc là 182,850 tỷ đồng. Tại tòa, bị cáo khai trên thực tế bị cáo không được hưởng số tiền lớn như thế nhưng cũng “không nhớ” mình đã được hưởng lợi bao nhiêu tiền từ việc làm cổng trung gian thanh toán cho các nhà mạng và mua bán hóa đơn trái phép.

“Vì là công ty của riêng bị cáo nên không tính toán được hưởng lợi bao nhiêu, vì thời gian ngồi tính toán xem mình hưởng lợi bao nhiêu thà làm việc còn hơn”, Lan Thanh nói và cho biết mình là người làm kinh doanh nên chỉ mải mê chạy theo lợi nhuận. Thậm chí, Thanh còn nói mình "không có đủ thời gian để suy nghĩ xem người ta có khả năng hay không mà phải hợp tác với mình" sau khi được hỏi có bao giờ đặt câu hỏi "tại sao không đặt câu hỏi đối tác tự làm mà phải làm thông qua trung gian?"

Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra thu thập chứng cứ lịch sử đoạn chat Skype vào ngày 10/01/2017 giữa nick name có tên “simdephoguom” được cho là của Lê Thị Lan Thanh và Nguyễn Tuấn Anh (Công ty VTC Online). Viện Kiểm sát đã trình chiếu đoạn chat Skype cho Thanh xem.

Nội dung đoạn chat liên quan đến việc đối soát vận hành game bài Rikvip thông qua cổng thanh toán của Công ty GTS (do Thanh điều hành); nội dung trao đổi phù hợp với số tiền hơn 2,442 tỷ đồng mà Thanh và các nhân viên đã chuyển vào tài khoản cá nhân đứng tên Đào Đình Luận, Bùi Minh Huệ, Đoàn Thị Thu Hà, Nguyễn Ngọc Thịnh.

Do đó, có căn cứ xác định Thanh biết rõ việc kết nối cổng thanh toán với Công ty CNC là để vận hành, đối soát cho game bạc Rikvip. Thậm chí, bị cáo còn biết game bài RikVip chưa được cấp phép, bị cáo chỉ sợ game "bị đóng" và "bị truy thu" hoặc "tạm dừng thanh toán".

Viện kiểm sát chất vấn: Rõ ràng bị cáo biết nhưng vẫn cung cấp dịch vụ cho VTC Online. Tuy nhiên, Thanh cho rằng nick “simdephoguom” là nick dùng chung ở công ty nên có thể người khác đã chat. Do đó, Thanh phủ nhận vai trò giúp sức cho người khác tổ chức đánh bạc. 

Trước lời phủ nhận này, điều tra viên Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, tại CQĐT, bị can Thanh đã khai báo việc đối soát với Phạm Tuấn Anh qua nick chát viber xác định nick “simdephoguom” là của bị can.

Đồng thời, điều tra viên cũng thông tin việc cơ quan điều tra đã làm việc với Tổng công ty viễn thông Viettel và các nhân viên Trung tâm hỗ trợ giải quyết các khiếu nại của khách hàng. Quá trình làm việc đã thu giữ các dữ liệu điện tử tại các địa chỉ email của các nhân viên lưu giữ tại trung tâm chăm sóc khách hàng thuộc Tổng công ty viễn thông Viettet, trong đó có 30 email thể hiện nội dung Công ty GTS trao đổi với các nhân viên của Trung tâm chăm sóc khách hàng Viettel về việc khách hàng đã nạp thẻ sử dụng chơi game bài Rikvip.

"Quá trình làm việc bị can Thanh khai nhận: Nội dung trả lời cho Trung tâm chăm sóc khách hàng Viettel là do phía đối tác Phạm Tuấn Anh cung cấp. Như vậy có căn cứ để xác định Thanh biết rõ việc kết nối với cổng thanh toán của Phạm Tuấn Anh (Công ty CNC) là để vận hành game bạc RIKVIP", điều tra viên nói.

Cùng đó, điều tra viên tiếp tục chất vấn: Bị cáo khai không biết game bài rikvip/tipclub là game bài đánh bạc, vậy vì sao khi ký hợp đồng với nhà mạng không cung cấp đúng tên game rikvip/tipclub mà lại ký game "Ngọa Hổ Tàng Long". Cơ quan điều tra xác định, bị cáo có thể biết đó là game đánh bạc, bất hợp pháp nhưng sau đó để che giấu hành vi vi phạm của mình nên kê khai với nhà mạng là game "Ngọa hổ tàng long".

Tại cơ quan điều tra, bị can khai báo thể hiện đã đối soát với Phạm Tuấn Anh qua nick chat skype. Tuấn Anh cũng đã xác minh nick "simdephoguom" là của bị can. Anh trai chồng của bị cáo là Ngô Thế Thắng cũng xác nhận đây là nick của em dâu. Bị can cũng cung cấp cho anh Thắng nick này để đi mở tài khoản ngân hàng.

Ngay sau đó, bị cáo Lê Thị Lan Thanh đã đối chất luôn, nếu điều tra viên nói che giấu khi kê khai với nhà mạng là game "Ngọa hổ tàng long", nhưng thực tế bị cáo kê khai rõ, không hề che giấu.

Ngoài ra, công ty bị cáo còn kê khai cung cấp cho công an các tỉnh về một số thẻ cào lừa đảo qua mạng, nạp qua game và bị cáo cũng đã cung cấp tên game rất đầy đủ.  Bị cáo không che giấu vì bị cáo nghĩ các các game không phạm pháp nên vẫn cung cấp.

Còn gửi các nhà mạng game "Ngọa hổ tàng long" là bởi bên bị cáo, các nhà mạng yêu cầu cổng thanh toán cung cấp một dịch vụ được cấp phép nhưng bên bị cáo không có dịch vụ nào được cấp phép nên phải hợp tác với một đơn vị khác.  Bên bị cáo còn nhiều dịch vụ khác mà cũng kê khai chung là "Ngọa hổ tàng long".

 Hoan Nguyễn