Cửa hàng xăng dầu của Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Tác
Cụ thể, ngày 28/9/2018, Đội QLTT chống buôn lậu, Chi cục QLTT Bắc Giang (nay là Đội quản lý thị trường số 3) phối hợp với Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng xăng dầu Ngọc Tác thuộc doanh nghiệp tư nhân Ngọc Tác, có địa chỉ tại thôn Cầu, xã Tự Lạn, huyện Việt Yên.
Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu xăng RON95 tại cây xăng để kiểm tra bằng máy phân tích nhanh của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang, kết quả cho thấy: Chỉ số Octan của xăng RON95 là 91,5 không phù hợp với xăng không chì được quy định tại QCVN 1:2015/BKHCN.
Cửa hàng xăng dầu của Doanh nghiệp tư nhân Châu Minh
Cũng trong ngày 29/8/2018, tổ công tác trên tiến hành kiểm tra cửa hàng xăng dầu Châu Minh 2 thuộc Doanh nghiệp tư nhân Châu Minh có địa chỉ tại thôn Ngọ Xá, xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.
Qua quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu xăng RON 95 tại Doanh nghiệp tiến hành kiểm tra bằng máy phân tích nhanh của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang.
Kết quả cho thấy, chỉ số Octan của xăng RON 95 tại doanh nghiệp là 91,4. Chỉ số Octan này không phù hợp với xăng không chì 95 mức 2,3,4 được quy định tại QCVN 1:2015/BKHCN.
Đáng chú ý, cả 2 doanh nghiệp sai phạm này đều là cửa hàng phân phối xăng dầu của Công ty TNHH Thương mại Công Minh.
Quyết định xử phạt Doanh nghiệp tư nhân Châu Minh
Trước sự việc trên, ngày 9/11/2018, Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 1762/QĐ-XPVPHC 250 triệu đồng đối với doanh nghiệp tư nhân Châu Minh, tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm bao gồm 9.800 lít căng RON 95 kém chất lượng, không phù hợp với quy chuẩn kĩ thuật tương ứng.
Tại Quyết định số 1763/QĐ-XPVPHC: Chủ tịch UBND tỉnh quyết định xử phạt vi phạm hành chính 134 triệu đồng đối với doanh nghiệp tư nhân Ngọc Tác, tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm bao gồm 1,344 lít căng RON 95 kém chất lượng, không phù hợp với quy chuẩn kĩ thuật tương ứng.
Quyết định xử phạt đối với Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Tác
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định, đại diện của 2 đơn vị trên có trách nhiệm nộp phạt tại Kho bạc nhà nước tỉnh Bắc Giang.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bắc cũng thường xuyên xuất hiện tình trạng các cửa hàng kinh doanh xăng dầu kém chất lượng, khiến dư luận vô cùng bức xúc. Điều đáng nói, ngoài việc kiểm tra, xử phạt hành vi kinh doanh, buôn bán xăng dầu kém chất lượng, đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang cần điều tra, làm rõ về nguồn gốc của số xăng xầu kém chất lượng nêu trên. Đồng thời, nếu phát hiện yếu tố cấu thành Tội sản xuất, buôn bán hàng giả, cần áp dụng theo Điều 192 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH ngày 27/11/2015.
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định, hướng dẫn tại Điều 192 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, cụ thể như sau:
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật hình sự 2015 hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
d) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp: gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
g) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Làm chết người;
i) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
l) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
m) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
n) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả có giá thành sản xuất 100.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200.000.000 đồng trở lên;
c) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
d) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Làm chết 02 người trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
g) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
h) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật hình sự 2015, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Nguyễn Loan