Nhu cầu lao động tăng
Bắc Giang xác định đến năm 2030 trở thành tỉnh trọng điểm về công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng. Hướng đến mục tiêu này, những năm gần đây, tỉnh tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Cùng đó, tập trung các nguồn lực xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), hệ thống giao thông kết nối và hạ tầng phụ trợ khác; kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn để phát triển, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đến nay, toàn tỉnh có 10 KCN được phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng diện tích quy hoạch gần 2,5 nghìn ha; hiện đã có 3 khu đạt tỷ lệ lấp đầy 100% gồm Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng, Vân Trung. Hiện các KCN thu hút 512 dự án đầu tư (396 dự án đầu tư nước ngoài và 116 dự án đầu tư trực tiếp trong nước) với tổng vốn đăng ký gần 11,1 tỷ USD và hơn 25 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp (DN) trong KCN hiện tạo việc làm cho khoảng 222 nghìn người, lao động trong tỉnh chiếm khoảng 60%. Công nghiệp phát triển kéo theo nhu cầu tuyển dụng lao động tăng mạnh. Dự báo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), giai đoạn 2025-2030, trung bình mỗi năm, các DN trong tỉnh cần khoảng 90 nghìn lao động phục vụ phát triển công nghiệp.
Ngành nghề, lĩnh vực tuyển dụng chủ yếu là: Cơ khí chế tạo máy; thiết bị sản xuất; chế tạo linh kiện và thiết bị điện tử; điện tử công nghiệp… Riêng những tháng cuối năm nay, các DN có hơn 30 nghìn vị trí việc làm đang chờ lao động. Một số DN có nhu cầu tuyển dụng lớn như: Công ty TNHH Newwing Interconect Technology Bắc Giang, KCN Vân Trung (12,9 nghìn người); Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải, KCN Quang Châu, KCN Đình Trám (5 nghìn người); Công ty TNHH Luxshare-ICT Việt Nam, KCN Vân Trung (3,5 nghìn người); Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam, KCN Quang Châu (2 nghìn người).
Công ty TNHH Newwing Interconect Technology Bắc Giang hiện có 25,1 nghìn công nhân, là một trong những DN có số lượng lao động lớn của tỉnh. Bà Trần Thị Chi, Phó Giám đốc Hành chính nhân sự Công ty cho biết, để phục vụ dự án mở rộng nhà máy, DN đang có nhu cầu tuyển dụng lớn.
Bên cạnh phương thức tuyển dụng trực tiếp, qua mạng xã hội, ký kết hợp tác với các đơn vị cung ứng nhân lực trong và ngoài tỉnh, DN còn áp dụng chính sách tuyển nội bộ, khuyến khích công nhân giới thiệu người thân, bạn bè đến ứng tuyển. Giới hạn độ tuổi tăng từ 35 lên 40 tuổi; công nhân mới được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Với mức lương cơ bản và nhiều khoản trợ cấp như: Thâm niên, đi lại, chuyên cần, nhà ở, trông con, ăn ca…, Công ty bảo đảm thu nhập bình quân không thấp hơn 9 triệu đồng/người/tháng.
Chăm lo tốt để “giữ chân” lao động
Để thu hút nhân lực cho các KCN, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã nỗ lực, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lao động, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động (NLĐ); quan tâm phát triển hạ tầng, cải thiện các dịch vụ xã hội cơ bản. Hiện thu nhập bình quân của lao động phổ thông trong tỉnh đạt 7-12 triệu đồng/người/tháng; lao động được tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ sau khi ký hợp đồng. Về nhà ở, DN hiện có 30 nghìn chỗ ở cho NLĐ; các địa phương trong tỉnh có khoảng 147 nghìn phòng trọ. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đang triển khai 9 dự án nhà ở xã hội với 12,4 nghìn căn hộ.
Phát huy vai trò đại diện, bảo vệ, chăm lo công nhân lao động, công đoàn các cấp chú trọng tuyên truyền, phát động các phong trào thi đua sáng tạo; đồng thời kiểm tra, giám sát, nâng cao nhận thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật lao động của DN. Ông Lê Đức Thọ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, trung bình mỗi năm, đơn vị phối hợp, chủ trì tổ chức kiểm tra, giám sát từ 15-20 DN theo các chuyên đề tiền lương, tăng ca, an toàn lao động, chế độ thai sản, BHXH..., tập trung ở những công ty có đông lao động. Cùng đó dành nguồn kinh phí lớn tặng quà, hỗ trợ đoàn viên khó khăn; tặng vé xe cho công nhân ở xa về quê đón Tết; xây dựng mô hình “nhà trọ an toàn, văn minh”, tạo nơi sinh hoạt nền nếp cho công nhân.Tổ chức đoàn thanh niên, hội phụ nữ đồng hành chăm lo về việc làm, sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần cho NLĐ.
Anh Nông Văn Bình (SN 2001), quê ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng chia sẻ: “Năm 2023, tôi cùng một số anh chị em cùng quê xuống KCN ở Bắc Giang làm việc. Hiện tôi đã có việc làm ổn định tại Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam ở KCN Quang Châu. Mỗi tháng, ngoài hưởng tiền lương cơ bản 5,2 triệu đồng, tôi được DN chi trả một số khoản phụ cấp như: Chuyên cần 300 nghìn đồng, xăng xe 400 nghìn đồng, thưởng năng suất theo tay nghề 800 nghìn đồng, ăn ca 22,5 nghìn đồng/suất. DN tìm giúp địa chỉ nhà trọ và hỗ trợ một phần tiền thuê (500 nghìn đồng/tháng). Với tổng thu nhập gần 9 triệu đồng/tháng, cuộc sống xa nhà đỡ vất vả, tôi tiết kiệm được một khoản gửi về cho gia đình”.
Xúc tiến thu hút lao động
Theo ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh, để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lao động trên địa bàn, đơn vị chủ động phối hợp với các cấp, ngành liên quan thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của DN; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện vi phạm, yêu cầu DN khắc phục, nhất là tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn lao động, môi trường, nợ BHXH; tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, ngành chức năng xử lý vi phạm theo thẩm quyền; có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của DN, đặc biệt là vấn đề thiếu hụt lao động.
Nhằm phục vụ nhu cầu nhân lực cho phát triển công nghiệp của tỉnh trong bối cảnh cạnh tranh lao động ngày càng gay gắt, năm 2024, lần đầu tiên UBND tỉnh tổ chức các đợt xúc tiến, thu hút lao động tại 8 tỉnh gồm: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình, Sơn La, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang và 3 trường đại học. Kết quả từ tháng 3 đến nay đã thu hút khoảng 15 nghìn lao động ngoại tỉnh về Bắc Giang làm việc.
Thống kê của Sở LĐTBXH cho thấy, lao động trên địa bàn tỉnh đến từ 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh xây dựng, triển khai kế hoạch phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức hoạt động xúc tiến, thu hút lao động. Cùng với việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng, theo ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, về lâu dài, để ổn định nguồn cung nhân lực đòi hỏi DN cần tiếp tục quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, có chế độ phúc lợi tốt hơn. Bởi thực tế, muốn thu hút, giữ chân lao động thì trước hết phải bảo đảm việc làm, thu nhập, đời sống cho họ.
Sở sẽ phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh, các ngành liên quan quản lý chặt chẽ các DN hoạt động dịch vụ việc làm, cung cấp thông tin chính thống cho lao động có nhu cầu làm việc tại Bắc Giang. NLĐ cũng cần chủ động tìm hiểu, chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động, nâng cao kỹ năng nghề, tác phong công nghiệp để đáp ứng tốt yêu cầu công việc, có thu nhập, đời sống ổn định.
Bá Đoàn