Hội thảo thu hút hơn 70 đại biểu, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ; Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Bắc Giang; Chi cục Hải quan; Công an tỉnh, TP; lực lượng QLTT và các cơ quan liên quan của tỉnh.
Phát biểu đề dẫn, ông Lê Quang Tú, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Bắc Giang cho biết, tình trạng hàng nhái, hành giả trên thị trường vẫn diễn ra rất phổ biến. Hàng được làm giả rất đa dạng, từ gói bánh, hộp kẹo, gói mì chính đến kính đeo mắt, đồng hồ, vật liệu xây dựng, quần áo và nhiều loại nhãn hàng hóa khác đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam…
Thị trường hàng giả có xu hướng gia tăng trong nhiều lĩnh vực như: Quần áo, mỹ phẩm, đồng hồ, kính mắt, máy tính, túi sách, linh kiện ô tô, xe máy, phân bón, thức ăn chăn nuôi... Điều đáng lo ngại các loại hàng giả là thực phẩm, hàng hoá tiêu dùng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và sinh mệnh của người dân.
Tại đây, ông Phan Minh Nhựt, Chủ tịch VACIP và đại diện chủ sở hữu của các nhãn hàng như: Nike, Ulinever VN, Inax, Vĩnh Tường (Saint-Gobain), Porsche, Levi’s, Lacoste, P&G, Hermes, BAT hướng dẫn, chia sẻ các nội dung, gồm: Cách tra cứu, tìm kiếm các trang web bán hàng nhái, hàng giả; cách cài đặt ứng dụng tra cứu xác thực sản phẩm chính hãng trên điện thoại di động; phân biệt hàng thật, hàng giả một số thương hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam; trao đổi thông tin về thực trạng hàng giả trên thị trường; thông tin về các đầu mối liên hệ khi có các kế hoạch kiểm tra, xử lý trên thị trường.
Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến trao đổi, làm rõ thêm về những hành vi gian lận trong sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng giả, hàng nhái, như: Cách nhận biết tem, nhãn, logo, màu sắc bao bì và quy cách sản phẩm.
Qua hội thảo, các đại biểu có cơ hội nắm thêm nhiều kiến thức để phân biệt hàng thật, hàng giả một số thương hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam, góp phần quản lý thị trường tốt hơn trong thời gian tới, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đồng thời bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.
Bá Đoàn