Cây chè Shan tuyết là một trong những cây trồng được huyện Chợ Đồn quan tâm bảo tồn. Là loại cây phát triển tốt ở những vùng núi có độ cao trên 900m so với mực nước biển, nơi có khí hậu mát mẻ vào mùa hè, nhiệt độ giảm sâu về ban đêm và lạnh giá vào mùa đông. Với đặc trưng là cây thân gỗ, có chiều cao lên tới 8 – 10m.
Với khí hậu mát mẻ, đất đai, độ cao phù hợp cho cây chè sinh trưởng và phát triển, Chợ Đồn có nhiều ưu thế cho việc bảo tồn, phát triển giống chè này. Cây chè Shan tuyết được đưa vào bảo tồn, bảo vệ, chăm sóc không chỉ tạo cơ hội cho sản phẩm chè Shan tuyết vươn ra thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương mà còn kết hợp với xây dựng các mô hình du lịch sinh thái để phục vụ du khách tham quan, khám phá, tìm hiểu các giá trị về cây chè Shan tuyết cổ thụ.
Vùng chè Shan tuyết ở Chợ Đồn được trải dài từ khu vực pù Mảy Van – giáp với núi Tam Tao thượng nguồn dòng sông Cầu thuộc thôn Bằng Viễn xã Phương Viên qua các xã Bằng Phúc, xã Tân Lập, xã Xuân Lạc, một số khu rừng ở các xã này qua khảo sát đều có những cây chè Shan tuyết cổ thụ mọc tự nhiên, có cây đường kính hơn 40 cm, cao 8 đến 10 m.
Năm 2016, UBND huyện Chợ Đồn đã phê duyệt đầu tư dự án “Thực hiện trồng cải tạo, bổ sung, thâm canh diện tích cây chè Shan tuyết tại xã Bằng Phúc, giai đoạn 2016 – 2020”.
Năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc triển khai xây dựng mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Phiêng Phung, xã Bằng Phúc, sau khi được tập huấn cách trồng, chăm sóc, chế biến chè an toàn theo quy trình VietGAP, người dân đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất từ khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái, bảo quản, chế biến để đưa ra thị trường sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Tháng 12/2018, sản phẩm chè Shan tuyết Bằng Phúc đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Hiện nay xã Bằng Phúc có hơn 300 ha chè Shan tuyết đang cho thu hoạch.
Năm 2023, Huyện có những định hướng phát triển du lịch nông thôn dựa trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan của khu vực nông thôn, gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hoá và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng thương mại, dịch vụ.
Để bảo tồn và phát triển cây chè Shan tuyết, huyện Chợ Đồn đã tập trung quy hoạch khu vực trồng chè Shan tuyết ở thôn Bản Khiếu xã Bằng Phúc, nhằm kết hợp cảnh quan sinh thái, văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Tày cùng với xây dựng làng nghề truyền thống nấu rượu men lá tại xã Bằng Phúc để phát triển du lịch. Hệ thống hạ tầng cơ sở, đường giao thông ở đây cũng từng bước nâng cấp phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm. Các phòng chuyên môn tiếp tục hỗ trợ nhân dân phát triển trồng mới diện tích chè, chăm sóc chè; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thu hái, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè Shan tuyết và có kế hoạch tạo tua, tuyến tham quan, trải nghiệm cho những du khách muốn khám phá những đồi chè Shan tuyết cổ thụ.
Hà Trần