THCL Khu chợ tạm của chợ Bình Tây vừa mới được di dời; nhìn qua thì khá chắc chắn và khang trang, nhưng thực sự tồn tại không ít bất cập

Bài 2- Chợ tạm Bình Tây bị “bức tử” vì nóng: Ban quản lý chợ nói gì? - Hình 1

Việc dựng chợ ngay trên đường khiến giao thông khu vực này thường xuyên xảy ra ách tắc

Việc chợ Bình Tây cũ xuống cấp, hư hỏng các hạng mục cũng gây ra nhiều sự lo ngại. Từ ngày 10/11, UBND quận 6 (TP. HCM) đã cho di dời các gian hàng tại chợ Bình Tây sang khu chợ dựng tạm để không làm gián đoạn việc buôn bán của các tiểu thương và người dân nơi đây trong thời gian chờ  tu bổ, sữa chữa và làm mới.

Bài 2- Chợ tạm Bình Tây bị “bức tử” vì nóng: Ban quản lý chợ nói gì? - Hình 2

 Khu chợ tạm nhìn từ bên ngoài đã thấy ngột ngạt và nóng bức

Theo Ban quản lý chợ Bình Tây và UBND quận 6, có tất cả 1.077 sạp hoạt động ở chợ cũ và có 1.049 sạp chuyển sang tiếp tục buôn bán tại chợ tạm. Các sạp còn lại, tiểu thương chủ động thuê những ki ốt trống bên ngoài để tiếp tục hoạt động.

Diện tích mỗi sạp chuyển sang chợ tạm được Ban quản lý chợ quy định là 2,25 m2, khá nhỏ so với trước đây bên chợ cũ, gây không ít khó khăn cho cả người bán lẫn người mua. Không gian, lối đi dành cho khách mua hàng trong chợ chật chội.

Bài 2- Chợ tạm Bình Tây bị “bức tử” vì nóng: Ban quản lý chợ nói gì? - Hình 3

 Cổng chợ Bình Tây cũ được đóng lại để tu bổ, sửa chữa

Trong khi đó, những loại xe thô sơ, xe máy ngang nhiên đi lại vô tư trong khu vực buôn bán, khiến cảnh tượng trở nên ngột ngạt và bí bách hơn.

Dù vẫn đồng ý di chuyển sang chợ tạm để chợ cũ Bình Tây được sửa chữa khang trang hơn, nhưng hầu hết các tiểu thương đều lo ngại về vấn đề di dời chợ sẽ làm ảnh hưởng đến công việc buôn bán. “Năm hết Tết đến rồi, đây là thời điểm nhu cầu của người dân mua hàng rất cao. Khi còn ở chợ cũ, mọi người đã quen vị trí bán của tôi, giờ chuyển sang chợ tạm, họ không biết tôi ở chỗ nào nên đâm ra mất nhiều mối mua lẻ”, bà Phạm Thị Hoa, một tiểu thương cho biết.

Bài 2- Chợ tạm Bình Tây bị “bức tử” vì nóng: Ban quản lý chợ nói gì? - Hình 4

  Nhiều người dân đi mua hàng tỏ ra bức bối khi vừa ra khỏi chợ tạm

Điều đáng nói, có khá nhiều khách hàng cũng lắc đầu ngao ngán khi phải “lặn ngụp” mua hàng trong 4 bề toàn tôn ngột ngạt, nóng bức. Chưa kể việc đường phố được chia ra ra hơn 1 nửa để dành diện tích cho chợ tạm, khiến khu vực có lưu lượng phương tiện đi lại đông đúc, rất hay xảy ra ách tắt nghiêm trọng.

“Tôi đã vào mua hàng ở trong chợ tạm một vài lần, nhưng ở trong quá nóng và khó thở. Đi vòng vòng được một lúc là tôi phải ra ngoài ngay vì nếu ở lâu thêm là có thể sẽ bị ngất”, bà Lương Thi Bé lắc đầu ngao ngán.

Chợ tạm Bình Tây được làm bằng vật liệu tôn nên rất nóng và ngột ngạt. Theo phản ánh từ người dân, có vài trường hợp khách hàng đi chợ và cả tiểu thương bán hàng bị ngất xỉu khi ở quá lâu bên trong chợ. Đại diện Ban quản lý chợ Bình Tây cũng cho biết đã ghi nhận nhiều trường hợp như trên xảy ra.

Ông Tống Hữu Nghị, đại diện Ban quản lý chợ Bình Tây cho biết: “Chúng tôi đã ghi nhận vài trường hợp người bán lẫn người mua không chịu được sự nóng bức và ngất xỉu như thông tin người dân phản ánh. UBND quận 6 cũng đã có nhiều đề xuất và thực hiện nhiều giải pháp để giảm thiểu sự ảnh hưởng của nắng nóng như đã lắp máy thông gió và đang làm thêm lớp chống nóng (sẽ hoàn thành vào cuối tháng 11). Chợ tạm còn có hệ thống báo cháy tự động. Điều này cũng góp phần giúp người dân và tiểu thương yên tâm hơn cho đến lúc chợ Bình Tây cũ được tái hoạt động”.

Ông Nghị cho biết thêm: “Phía chúng tôi, cũng đang cố gắng giảm các chi phí nhỏ lẻ cho tiểu thương, tạo mọi điều kiện tốt nhất để họ buôn bán, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán sắp đến”.

Được biết, theo dự kiến, chợ Bình Tây sẽ được tu bổ, sửa chữa và hoàn thành trong vòng 1 năm (cuối 2017). Và việc đối mặt với những bất cập của khu chợ tạm sẽ theo người bán, khách mua thêm 1 năm nữa.

Chợ Bình Tây (còn gọi là Chợ Lớn) được xem biểu tượng văn hóa và lịch sử của người dân TP. HCM, là chợ đầu mối chuyên cung cấp hàng hóa cỡ nhất nhì thành phố và khu vực lân cận; cũng là địa chỉ tham quan của du khách trong và ngoài nước. Để đảm bảo an toàn, việc phải di dời và sửa chữa là nhiệm vụ bắt buộc và cấp bách của cơ quan chức năng, bên cạnh đó nhằm đảm bảo giảm thiểu những bất cập ở khu chợ tạm để người dân yên tâm mua bán.

Tiến Anh