Bài 1: Khai thác cát trái phép bùng phát trên sông Lô

Sông Lô “chảy máu”

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tình trạng khai thác trái phép cát sỏi trên tuyến sông Lô bùng phát và ngày càng diễn biến phức tạp. Việc khai thác cát sỏi trái phép đã gây sạt lở, làm mất nhiều diện tích đất bãi canh tác nông nghiệp, khiến người dân bức xúc. Tại đoạn sông Lô chảy qua xã Trưng Vương (TP. Việt Trì), “lợi dụng” việc Công ty TNHH Thương mại và Nuôi trồng thủy sản Ánh Nhật (công ty Ánh Nhật) được UBND tỉnh giao đất sử dụng làm Bến thủy nội địa Ánh Nhật, gần đây, hoạt động khai thác cát trái phép đã xảy ra. Qua kiểm tra hiện trạng đầu tháng 5/2018, tại chỉ giới giao đất của Công ty Ánh Nhật, lực lượng chức năng đã phát hiện 2 vị trí sạt lở với chiều dài khoảng 200m (dọc theo bờ sông), chiều rộng khoảng 20m; độ sâu sạt lở khoảng 2m so với cost hiện trạng khi giao đất cho công ty vào năm 2013. 

Bài 2: Quyết liệt triệt phá khai thác cát trái phép vùng giáp ranh - Hình 1

"Cát tặc" lộng hành trên sông Lô, đoạn thuộc xã Trưng Vương (Ảnh: Hoan Nguyễn)

Tại các khu vực bãi Bến Lấp, Cửa Sộp, Ba Hàng thuộc khu 3, xã Sông Lô (TP. Việt Trì), do bị khai thác cát trái phép nên hơn 2.000 m2 đất trồng ngô bãi bồi của người dân đã biến mất.

Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Phú Thọ) phối hợp với các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương thực hiện nhiều đợt tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm, nhất là các vụ khai thác cát trộm. Cụ thể, lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường đã xử lý 5 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh cát sỏi, thu giữ hai tàu cuốc, hai sà lan, một phao cẩu, hai tàu hút và gần 800m3 cát, xử phạt nộp ngân sách hơn 6 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông vẫn không có dấu hiệu giảm mà các đối tượng khai thác cát trái phép còn có thủ đoạn tinh vi hơn. Để lấy được cát, nhiều đối tượng bất chấp pháp luật; lợi dụng địa bàn giáp ranh giữa hai tỉnh để công khai khai thác cát trái phép. Điển hình, lợi dụng mập mờ chỉ giới lòng sông giữa các xã ven sông Lô thuộc huyện Phù Ninh (Phú Thọ) và các xã ven sông của huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc), thời gian gần đây “cát tặc” hoành hành công khai làm đất màu của người dân bị sạt lở, tài nguyên quốc gia bị “chảy máu”, mất an ninh trật tự, gây bức xúc trong nhân dân.

Ông Hà Kế Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Tử Đà cho biết, tình hình khai thác cát trộm đang làm đau đầu chính quyền địa phương. Tuy nhiên, phương tiện khai thác nằm vị trí bên huyện sông Lô (Vĩnh Phúc) chứ không phải ở địa bàn huyện Phù Ninh nên rất khó xử lý. Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng khai thác cát trái phép ngày càng tinh vi. 

Các đối tượng thường sử dụng tàu không số, lắp máy ô tô làm máy hút cát đặt âm trong hầm tầu để giảm tiếng ồn và thường lợi dụng khai thác vào lúc trời tối, trời mưa, ở địa bàn giáp ranh. Thậm chí các đối tượng còn bố trí người cảnh giới trên bờ để thông báo cho các tàu, thuyền khi lực lượng chức năng xuất hiện...

Ngăn chặn khai thác trái phép vùng giáp ranh

Theo ông Nguyễn Xuân Toản, Trưởng Phòng Quản lý Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ), hoạt động khai thác cát, sỏi trong giai đoạn hiện nay đặt ra cho công tác quản lý nhà nước tại địa phương những thách thức: Các con sông chảy qua tỉnh Phú Thọ đều có chung đường địa giới hành chính trên sông với các tỉnh (Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Hà Nội). Vì vậy công tác quản lý gặp nhiều khó khăn và cần có sự phối hợp tốt với các địa phương giáp ranh. 

Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh ban hành các văn bản, quy định pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên cát, sỏi lòng sông đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm khoáng sản; gắn với bảo vệ môi trường và quyền lợi người dân nơi có khoáng sản; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản, hướng dẫn về nội dung và trình tự thực hiện việc ký kết “Quy chế phối hợp trong quản lý tài nguyên khoáng sản ở các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”.

Bài 2: Quyết liệt triệt phá khai thác cát trái phép vùng giáp ranh - Hình 2

Phú Thọ quyết liệt ngăn chặn khai thác cát trái phép ở vùng giáp ranh

Mới đây, trước tình trạng hoạt động khai thác cát trái phép diễn biến trên các tuyến sông, tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc đã xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ cát, sỏi tại các khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh.

Theo đó, từ ngày 22/6, hai tỉnh bắt đầu phối hợp kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các khu vực cát, sỏi lòng sông tại vùng giáp ranh giữa hai tỉnh nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm theo quy định. Để giám sát chặt chẽ, hai bên cũng trao đổi thông tin về tiềm năng cát, sỏi lòng sông; tình hình quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông và hoạt động cát, sỏi lòng sông tại các khu vực giáp ranh, đặc biệt là thông tin liên quan đến phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép.

Bên cạnh đó, lực lượng công an địa phương thường xuyên tuần tra kiểm soát nắm tình hình trên địa bàn, kịp thời phát hiện, trao đổi thông tin về các đối tượng có biểu hiện vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, mua bán cát, sỏi lòng sông. 

Các huyện Sông Lô, Lập Thạch, Vĩnh Tường của tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Phù Ninh, TP. Việt Trì của tỉnh Phú Thọ có trách nhiệm triển khai quy chế và báo cáo kết quả đạt được trước ngày 31/12 hằng năm về các UBND mỗi tỉnh. 

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường đề xuất, trong thời gian tới, UBND hai tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các địa phương kiểm tra, xác định mốc giới để làm cơ sở cho công tác cấp phép, kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực giáp ranh. 

Các địa phương rà soát, thống nhất về chế độ khai thác, thời gian khai thác, giá cát của các mỏ tại địa bàn giáp ranh để phòng ngừa cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp khai thác; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết rút giấy phép khai thác đối với đơn vị vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, đã bị cơ quan chức năng xử lý, yêu cầu khắc phục nhưng không thực hiện. 

Đồng thời, các địa phương quan tâm đầu tư trang thiết bị, nhiên liệu, phương tiện cho lực lượng chức năng. Lãnh đạo Công an hai tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố, khu vực giáp ranh thực hiện nghiêm quy chế giữa Công an của hai tỉnh về việc phối hợp trong đảm bảo an ninh trật tự tại các địa bàn giáp ranh trên tuyến sông.

Phát huy những kết quả đã đạt được, các cơ quan chức năng Phú Thọ tiếp tục nâng cao năng lực hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về khai thác cát sỏi trên các dòng sông nói chung và tuyến sông Lô nói riêng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng, ổn định tình hình chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh.

Hoan Nguyễn