THCL- Như báo điện tử TH&CL đã thông tin, ngày 26/12/2016, Trường THPT Mỹ Đức C (Mỹ Đức, Hà Nội), trong mấy năm gần đây đã tổ chức dạy thêm, học thêm tràn lan, thiếu kiểm soát chất lượng. Thậm chí, việc quản lý thu, chi tiền quỹ dạy thêm không đúng theo các quy định đã ban hành…

Bài 2: Trường THPT Mỹ Đức C (Đốc Tín, Mỹ Đức): Chi tiền từ QDT không đúng quy định - Hình 1

Tại Quyết định số 22/2013/QĐ-UBND ngày 25/6/2013 của UBND Thành phố Hà Nội và Công văn số 2883/SGD&ĐT-GDTrH ngày 26/7/2016, do ông Lê Ngọc Quang, Phó GĐ Sở ký thì việc thu, chi quản lý tiền dạy thêm, học thêm trong nhà trường phải thực hiện theo đúng nguyên tắc: “Tỷ lệ chi 70% trả thù lao cho giáo viên trực tiếp giảng dạy; 15% chi công tác quản lý (bao gồm ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, công tác quản lý tài chính); chi 15% hỗ trợ tiền điện, nước, vệ sinh và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm...”.

Bài 2: Trường THPT Mỹ Đức C (Đốc Tín, Mỹ Đức): Chi tiền từ QDT không đúng quy định - Hình 2

Bảng Báo cáo thu - chi tiền quỹ học thêm của Trường THPT Mỹ Đức C

Tuy nhiên, theo Bảng kê “Báo cáo công khai quỹ học thêm” năm học 2015 – 2016 ngày 25/9/2016, Trường THPT Mỹ Đức C đã sử dụng quỹ này chi nhiều khoản mục, trong đó có một số khoản chi, như: Đoàn thanh niên 20.313.000 đồng; tiền Tết 88.500.000 đồng; trả công HĐ 57.550.000 đồng; các hoạt động thường xuyên 193.216.900 đồng...

Như vậy, căn cứ vào văn bản hướng dẫn của các cơ quan chức năng đã ban hành, có thể thấy, Trường THPT Mỹ Đức C đã quản lý, sử dụng quỹ dạy thêm, học thêm không đúng quy định. Hơn nữa, theo phản ảnh, nhiều khoản chi trong nhà trường đang được Hiệu trưởng và Kế toán, quyết toán sai quy định; chi tiết các khoản chi đó có giấy tờ hợp lý và hợp lệ hay không, cũng chưa được làm rõ? Nếu đúng như vậy, thì số tiền chi sai và chênh lệch đó đã “chảy” vào túi của những cá nhân nào?

Căn cứ mục 3, điều 14, Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ GD&ĐT, sẽ “thu hồi giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm nếu tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm”; căn cứ điều 22 của thông tư này “cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quản lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm thì bị xử lý kỷ luật theo quy định”..., Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo và xử lý như thế nào đối với trường hợp trên?

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc…

 Thanh Bình