THCL Từ một vụ việc tai nạn giao thông đơn thuần, giữa người bị say rượu đâm vào đuôi xe ô tô, anh Phùng Việt Long bỗng dưng bị khởi tố (!). Mới đây, phiên tòa xét xử đã diễn ra với nhiều điểm mà theo dư luận là không khách quan đối với bị cáo của VKSND TP. Việt Trì?

Báo điện tử Thương hiệu & Công luận phản ánh về việc anh Phùng Việt Long (trú tại phường Thọ Sơn, TP. Việt Trì) bị CA TP. Việt Trì giữ phương tiện, cũng như bị khởi tố vì người say rượu đâm vào đuôi xe ô tô khi đang chuyển hướng quay (Bài 1: Công an TP. Việt Trì (Phú Thọ): Tạm giữ phương tiện giao thông có đúng luật? và Bài 2: Vụ việc cần được giải quyết công minh).

Mới đây, sau 2 lần phải hoãn phiên Tòa xét xử sơ thẩm do sự vắng mặt của người làm chứng thì ngày 17/02/2017, TAND TP. Việt Trì đã tiến hành mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Phùng Việt Long, bị VKSND TP. Việt Trì truy tố về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, quy định tại khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự.

TAND TP. Việt Trì đã triệu tập 05 người làm chứng trong vụ án này, nhưng chỉ có 04 người làm chứng có mặt tại phiên tòa, 01 người làm chứng được cho là khá quan trọng đã vắng mặt không lý do (ông Thảo, người nhìn thấy nạn nhân đâm vào đuôi xe ô tô tải của bị cáo Long).

Tại phiên tòa, bà Đinh Thị Phương Thúy, Thẩm phán – Chủ tọa phiên Tòa tiến hành xét hỏi đối với bị cáo, người làm chứng, người đại diện hợp pháp cho người bị hại để làm rõ một số vấn đề trong nội dung vụ án.

Bài 3 , vụ tai nạn giao thông ở TP. Việt Trì: Tòa trả lại hồ sơ vì nhiều tình tiết chưa khách quan - Hình 1

Tại phiên tòa xét xử

Tuy nhiên, trong phiên tòa, đại diện VKSND TP. Việt Trì, Trần Minh Hải – Kiểm sát viên luôn dùng lối hỏi theo hướng đề nghị bị cáo và nhân chứng ước lượng khoảng cách, giờ và tốc độ của xe. Phải chăng, vị đại diện viện kiểm sát nghĩ rằng, phiên tòa mở ra chỉ để ước lượng? Đối với pháp luật thì bằng chứng là căn cứ pháp lý, chứ không thể dựa vào ước lượng và suy diễn!

Đại diện viện kiểm sát cho rằng, bị cáo khi chuyển hướng sang đường đã không chú ý quan sát, không nhường đường cho xe mô tô dẫn đến tai nạn, hành vi này vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 15 và khoản 3 Điều 24 Luật Giao thông đường bộ 2008. Kiểm sát viên yêu cầu bị cáo phải bồi thường cho người bị hại, gồm: Tiền bảo hiểm trách nhiệm dân sự; tiền chi phí viện phí chữa bệnh; thiệt hại về tài sản đối với xe mô tô biển kiểm soát 88K2-9082. Quyết định truy tố Phùng Việt Long về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, được quy định tại khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự.

Trước việc luận tội “thiếu căn cứ”, Luật sư bào chữa cho bị cáo, ôngNguyễn Hà An - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã có những lý lẽ như sau: Yêu cầu làm rõ chất bám dính để lại hiện trường và phương tiện giao thông là chất gì và có từ đâu? Có hay không việc nổ lốp xe máy của anh Kỷ trước khi xe máy đâm vào đuôi xe ô tô của anh Long?...

Luật sư khẳng định, bị cáo đã thực hiện đúng quy tắc tham gia giao thông khi chuyển hướng rẽ trái: Hồ sơ vụ án đều thể hiện khi sang đường, anh Phùng Việt Long đã xi nhan và giảm tốc độ, đồng thời quan sát xung quanh không thấy trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác (thể hiện ở lời khai của người làm chứng là vào thời điểm xảy ra tai nạn, không thấy xe mô tô đi từ hướng nào đến).

Đồng thời, Luật sư cũng lý giải việc thế nào là nhường quyền đi trước khi tham gia giao thông tại nơi giao nhau (không thể nhường đường cho một người khác, kể cả khi họ đang đi trên đường ưu tiên khi mà họ đang ở khoảng cách quá xa trên 150 m hoặc chưa vào khu vực giao nhau tại khu đô thị).

Không những vậy, Luật sư còn chứng minh việc vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ của xe mô tô như tham gia giao thông khi uống rượu bia. Cơ quan điều tra đã không xác định được tốc độ và hướng đi chính xác của xe mô tô, cũng như việc sử dụng đèn chiếu sáng khi trời đã tối. Luật sư căn cứ vào việc kiểm tra nồng độ cồn trong 100ml máu đối với anh Tạ Văn Kỷ là 125,2mg/100ml máu để nhận định anh Kỷ tham gia giao thông trong tình trạng đã uống rượu bia, rất có thể do tác dụng của rượu bia đã khiến việc không làm chủ được ý thức khi lái xe, điều khiển xe chạy quá tốc độ cho phép đã vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ không kiểm soát được tay lái, gây tai nạn.

Luật sư cũng chỉ ra biên bản khám nghiệm hiện trường xác định hiện trường vụ tai nạn đã không còn nguyên vẹn. Bởi vị trí xảy ra tai nạn rất quan trọng, ảnh hưởng đến việc lỗi thuộc về bên nào. Luật sư yêu cầu phải thực nghiệm lại hiện trường vụ tai nạn nhằm tránh tình trạng án oan sai trong tố tụng.

Tại phiên tòa, Luật sư bác bỏ 2 nhân chứng đi xe mô tô (anh Thảo và anh Hòa) vì có nhiều điểm mâu thuẫn trong lời khai của họ về việc nhìn thấy người giống nạn nhân (anh Tạ Văn Kỷ) theo hướng từ Nông Trang đi Vân Phú như cả 2 người làm chứng đều không nhớ ngày xảy ra tai nạn và "chỉ biết đó là ngày 18/1/2016, khi gặp cơ quan điều tra". Điểm đáng ngờ nữa của 2 nhân chứng này là sau gần 1 năm mà vẫn nhớ chi tiết một chiếc xe mô tô chạy qua phía mình, trong khi không nhớ nổi thông tin của người va chạm với mình tại thời điểm đó.

Tại biên bản lấy lời khai của cơ quan công an thì, nội dung 2 người này nói xe mô tô của nạn nhân có nhãn hiệu “Nouvo”; nhưng tại bản báo cáo (tự viết) thì cả 2 đều viết xe mô tô của nạn nhân có nhãn là “No Vo”.

Từ những lý lẽ trên, Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng, các chứng cứ trong hồ sơ về 2 người làm chứng này không đủ căn cứ để xem xét vụ án và đề nghị tòa án xem xét việc những người làm chứng này khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật theo điều 307 BLHS và cơ quan điều tra của vụ án này có dấu hiệu làm lệch hồ sơ vụ án theo điều 300 BLHS. Vì khi nội dung trình báo của người làm chứng có nhãn là “No Vo” hoàn toàn khác với xe của nạn nhân có nhãn hiệu là “Nouvo” mà vẫn cho vào hồ sơ vụ án coi 2 loại xe mô tô đó là một?

Kiểm sát viên không đồng ý với việc Luật sư bác 02 người làm chứng về hướng đi của xe mô tô của nạn nhân. Kiểm sát viên cho rằng, với điều kiện của nước ta thì việc thực nghiệm hiện trường là không thể. Kiểm sát viên đã dùng nhận định chủ quan để khẳng định không có việc xe bị nổ lốp trước khi xảy ra va chạm, đồng thời cũng cho biết với điều kiện ánh sáng đèn điện tại TP. Việt Trì thì “tầm nhìn xa lên đến 1 km” (?!).

      Bên cạnh đó, vị kiểm sát viên cũng đồng ý với ý kiến về việc hiện trường vụ tai nạn không còn nguyên vẹn, song vẫn căn cứ vào hiện trường để xác định hướng đi của xe mô tô và vị trí xảy ra va chạm. Vậy hiện trường không còn nguyên trạng thì có thể căn cứ được vào hiện trường không?

Tại phiên tòa, Luật sư không đồng ý với nhận định chủ quan của vị đại diện VKSND TP. Việt Trì và nhấn mạnh rõ các lập luận của mình.

Luật sư yêu cầu làm rõ những điểm chưa rõ ràng trong hồ sơ vụ án và khẳng định nếu các vấn đề đó không được làm rõ thì sẽ không đủ căn cứ để xác định sự thật khách quan, cũng như không thể kết tội bị cáo Phùng Việt Long vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Bài 3 , vụ tai nạn giao thông ở TP. Việt Trì: Tòa trả lại hồ sơ vì nhiều tình tiết chưa khách quan - Hình 2

Luật sư Nguyễn Hà An, người bào chữa cho bị cáo

Kết thúc phiên tòa, căn cứ vào hồ sơ vụ án, cũng như buổi xét xử trực tiếp tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy còn nhiều điều trong vụ án chưa được làm rõ nên đã quyết định trả hồ sơ để điều tra lại với 6 vấn đề: (1) Xác định rõ chất bám dính trên phương tiện liên quan đến vụ tai nạn và tại hiện trường; (2) Tốc độ đi của 2 phương tiện; (3) Hướng đi của xe mô tô; (4) Điểm va chạm giữa 2 phương tiện; (5) Xác định với nồng độ cồn trong máu như nạn nhân thì có thể điều khiển được phương tiện hay không?; (6) Xác định lại thời điểm anh Kỷ dừng hợp đồng lao động tại nơi làm việc.

Trước đó, báo điện tử Thương hiệu & Công luận đã đưa tin, khoảng 18 giờ 10 phút ngày 18/01/2016, anh Phùng Việt Long (sinh năm 1980, trú tại Tổ 12, phố Long Châu Sa, phường Thọ Sơn, TP. Việt Trì, Phú Thọ), điều khiển xe ô tô tải biển kiểm soát 19C-028.04 chạy trên đường Hùng Vương (Quốc lộ 2) theo chiều Phù Ninh đi Việt Trì. Khi đến đoạn ngã ba giao nhau giữa đường Hùng Vương với đường Tản Viên thuộc (Tổ 10, khu 2, phường Vân Cơ, TP. Việt Trì), anh Long điều khiển xe giảm tốc độ, bật đèn tín hiệu xin đường, đồng thời cho xe rẽ trái sang đường Tản Viên. Khi xe ô tô anh Long điều khiển đang chuyển hướng rẽ trái qua đường vào đường Tản Viên thì có xe mô tô biển kiểm soát 88K2-9082, do anh Tạ Văn Kỷ (sinh năm 1976, trú tại Đội 2, xã Thụy Vân, TP. Việt Trì) điều khiển chạy trên đường Hùng Vương theo chiều Việt Trì đi Phù Ninh. Lúc đó, anh Kỷ đâm vào phần phía sau thùng xe ô tô. Hậu quả, anh Tạ Văn Kỷ bị thương được đưa đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu. Hai phương tiện bị hư hỏng. Kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở đối với anh Phùng Việt Long là: 0,000mg/l khí thở. Kiểm tra nồng độ cồn trong 100ml máu đối với Tạ Văn Kỷ là: 125,2mg/100ml máu.

Tại hiện trường, chiếc xe ô tô tải đã đỗ vào hoàn toàn phần đường Tản Viên, xe máy và người bị nạn văng ra xa khoảng 15 m tính từ đuôi xe ô tô, trên mặt đường xuất hiện vết cà sát và chất dịch màu đỏ nâu. VKSND TP. Việt Trì, khi xác định theo biên bản dựng lại hiện trường thì cho rằng, vị trí va chạm giữa xe mô tô và xe ô tô nằm trên đường dành cho xe cơ giới, tức là đường của xe mô tô đang chạy là ưu tiên, xe ô tô đang trên đường rẽ trái vào phần đường Tản Viên là không ưu tiên...

Liệu rằng, việc những người tiến hành tố tụng, có đang cố tình gạt bỏ trách nhiệm tìm ra sự thật khách quan trong một vụ án hình sự, bởi đây là vụ án có nhiều tình tiết ly kỳ và nhiều điểm vô lý?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ án đến bạn đọc.

                                                                   Cao Huyền – Quang Nam