THCL Theo kết quả thử nghiệm Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, nhiều cơ sở sản xuất và kinh doanh cà phê có thương hiệu tại Việt Nam đang cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm không đạt chuẩn theo quy định và công bố trên bao bì sản phẩm.
Kết quả thử nghiệm của nhiều mẫu cà phê bột không đạt chuẩn như công bố
Hàm lượng cafein thấp hơn mức quy định
Hiện nay, cà phê trộn, cà phê giả đang là vấn đề được dư luận quan tâm đặc biệt. Sau nhiều vụ việc được cơ quan điều tra phanh phui tình trạng nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất cà phê từ các nguyên liệu không phải là cà phê như đậu nành, bắp..., nhưng vẫn quảng cáo “cà phê nguyên chất” - đang khiến người tiêu dùng hoang mang trước “ma trận” cà phê trên thị trường hiện nay.
Kết quả thử nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) cho thấy, nhiều mẫu sản phẩm cà phê bột của hàng loạt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cà phê trong nước có chỉ tiêu không đạt chuẩn so với công bố trên bao bì sản phẩm.
Cụ thể, theo thông tin công bố trên bao bì sản phẩm của hầu hết các sản phẩm cà phê của hàng loạt doanh nghiệp sản xuất cà phê tại Đắk Lắk, Nha Trang... đều ghi rõ chỉ tiêu chất lượng chủ yếu: Hàm lượng cafein ≥ 1%, độ ẩm ≤ 5%. Thế nhưng, theo kết quả thử nghiệm lại khác xa so với những gì sản phẩm của doanh nghiệp cà phê công bố trên bao bì.
Sản phẩm cà phê bột (M) của thương hiệu cà phê khá nổi tại Đắk Lắk, chỉ tiêu thử nghiệm gồm: Độ ẩm và hàm lượng cafein. Kết quả cho thấy, chỉ tiêu hàm lượng cafein là 0,58%, nhưng trên bao bì sản phẩm của thương hiệu cà phê này ≥ 1%.
Cũng tại Đắk Lắk, một sản phẩm cà phê bột (G) khác của hãng cà phê có thương hiệu nổi tiếng trên thị trường hiện nay cũng không đạt chuẩn. Hàm lượng cafein theo kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường 3 xác định 0,38%, thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu đạt chuẩn là ≥ 1%.
Như vậy, thậm chí hàm lượng cafein mà doanh nghiệp cà phê này có được trong sản phẩm còn không đạt đến nửa chỉ tiêu theo công bố.
Ngoài ra, 3 mẫu sản phẩm cà phê khác của 3 cơ sở sản xuất cà phê có tiếng tại Đắk Lắk cũng nằm trong danh sách không đạt chuẩn theo kết quả của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường 3 công bố. Theo kết quả, chỉ tiêu hàm lượng cafein của 2 mẫu sản phẩm chỉ đạt 0,75%, 0.7 % và 0,35%, thấp hơn so với thông tin công bố trên bao bì sản phẩm và quy định tiêu chuẩn của cà phê tại Việt Nam.
Điều đáng nói, ngoài những doanh nghiệp cà phê công bố thông tin không đúng chất lượng sản phẩm đã sản xuất và kinh doanh, một số sản phẩm của doanh nghiệp cà phê gần như không có hàm lượng cafein, thậm chí là không có tí nào cafein.
Theo kết quả thử nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, mẫu sản phẩm cà phê của thương hiệu cà phê nổi tiếng H.T tại Nha Trang, chỉ tiêu hàm lượng cafein phát hiện chỉ đạt 0,03% so với công bố đạt chuẩn là ≥ 1%.
Trong khi đó, mẫu sản phẩm của một hãng cà phê nổi tiếng khác tại Đắk Lắk hoàn toàn không chứa hàm lượng cafein theo đúng tiêu chuẩn quy định sản xuất và kinh doanh cà phê tại Việt Nam.
Cũng nằm trong danh sách cơ sở sản xuất cà phê T.H có mẫu sản phẩm không đạt chuẩn theo quy định với hàm lượng cafein là 0,58%; tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc sản phẩm không đạt chuẩn thì trên bao bì sản phẩm cà phê của cơ sở này không hề công bố chỉ tiêu hàm lượng cafein trên bao bì sản phẩm.
Hành vi gian lận thương mại trắng trợn?
Với kết quả nêu trên, có thể nói, sản phẩm bán ra không phải là sản phẩm đã đăng ký với nhà quản lý hoặc đã cam kết với khách hàng, bởi lẽ nó vừa không nguyên chất, vừa không đúng tên gọi như trong bản công bố.
Trong khi các cơ quan chức năng còn đang “vướng víu” phân chia trách nhiệm quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh cà phê kém chất lượng, cà phê "bẩn”, thì doanh nghiệp vẫn lập lờ về thành phần trên nhãn mác. Người tiêu dùng bỏ tiền ra cho món đồ uống khoái khẩu mỗi ngày là cà phê, song lại phải "đánh cược" sức khỏe của mình khi không thể chắc chắn là cà phê có đảm bảo chất lượng như quảng cáo hay không.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Phạm Duy Hiển, công tác tại TP. HCM, khẳng định: “Theo quy định, sản phẩm cà phê bán ra thị trường cũng giống như các sản phẩm ăn uống khác đều phải công bố chất lượng, các chỉ tiêu về độ ẩm, vi sinh, kim loại nặng, nồng độ caffeine... Việc này do nhà sản xuất tự công bố, nhưng không được thấp hơn quy định của Nhà nước. Điều quan trọng nữa đó là không được công bố một đằng, thực hiện một nẻo. Và theo quy định thì nếu sản phẩm cà phê có chứa hàm lượng caffeine thấp hơn hàm lượng công bố hoặc hoàn toàn không chứa caffeine thì có thể nói đó là gian lận thương mại”.
Luận sư Hiển nhấn mạnh, với sản phẩm có các hàm lượng chỉ tiêu không đạt như công bố thì phải xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật. Cơ quan chức năng cần có những chế tài rõ ràng và hình thức phạt tiền nặng, rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn nhằm phòng chống tái phạm. Từ đó, người tiêu dùng sẽ tránh được sự độc hại.
Bất chấp thủ đoạn cùng các nguy cơ tổn hại sức khỏe người tiêu dùng, không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh cà phê trong nước hiện nay, vì lợi nhuận đã sẵn sàng tung ra thị trường nhiều loại cà phê kém chất lượng và tiềm ẩn nguy hại với sức khỏe cộng đồng.
Thu Phương