THCL Không công khai đầy đủ thành phần sản phẩm trên bao bì - đang là thực trạng của nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh cà phê hiện nay.

Bài 6: Thiếu minh bạch trong kinh doanh cà phê - Hình 1

Người tiêu dùng bỏ tiền ra mua, rồi lại phải “đánh cược” sức khỏe của mình

Tại cuộc Tọa đàm “Cà phê bẩn - Thực trạng và giải pháp” tổ chức sáng 20/7/2016 tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều vấn đề về thực trạng “cà phê bẩn”, “cà phê giả” được đưa ra bàn luận.

Nhiều đại diện của các hãng thừa nhận việc trộn “các thành phần khác” là không thể thiếu đối với các dòng sản phẩm cà phê có giá thành thấp.

Đại diện Công ty TNHH Cafe Lê Phan khẳng định, để sản xuất những dòng cà phê giá rẻ thì chắc chắn phải trộn thêm các loại ngũ cốc và hương liệu. Tuy nhiên, khẩu vị của người dùng khá đa dạng, lựa chọn công thức thế nào để đáp ứng nhu cầu người dùng là chuyện doanh nghiệp cần làm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc, Giám đốc Nhà máy Neslte xác nhận: Ở nước ngoài, các sản phẩm cà phê của Neslte hoàn toàn không có đậu nành. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đa phần các sản phẩm Nescafe đều có đậu nành trong thành phần. Lượng đậu nành đó được xem như phụ gia - gia giảm để tạo  hương vị mà đại đa số người tiêu dùng ưa chuộng.

“Chúng tôi có dòng sản phẩm 100% cà phê nguyên chất. Nhưng phải thừa nhận, dòng sản phẩm đó không được đại đa số người Việt ưa thích. Còn về việc công bố thành phần đậu nành trên bao bì sản phẩm, chúng tôi đang thực hiện đúng theo các quy chuẩn mà Nhà nước quy định”.

Hầu hết doanh nghiệp đều cho rằng, chính nhu cầu nhằm đáp ứng khẩu vị của người tiêu dùng nên việc sản xuất những sản phẩm cà phê trộn là lẽ đương nhiên trong chiến lược kinh doanh hiện nay.

Rõ ràng, theo như khẳng định của những thương hiệu cà phê lớn tại Việt Nam thì  thực trạng cà phê pha trộn đều phụ thuộc vào nhu cầu của người dùng và người tiêu dùng phải là người lựa chọn. Điều đó cũng có nghĩa, người tiêu dùng sẽ phải chịu trách nhiệm chính về khẩu vị cà phê có độ sánh, ngọt, đậm, đắng của mình trong nạn cà phê trộn và pha hóa chất hiện tại. Còn các doanh nghiệp cà phê, dù lớn hay nhỏ, quốc tế hay nội địa đều cũng chỉ làm công việc “thỏa mãn người tiêu dùng” mà thôi?

Một số thương hiệu cà phê lớn đã thừa nhận, sản xuất cà phê trộn từ các nguyên liệu khác như đậu nành để hợp khẩu vị người Việt nhưng vẫn công bố minh bạch thành phần trên bao vì sản phẩm chỉ là con số nhỏ. Trong khi đó, những thương hiệu cà phê Việt vừa và nhỏ, dù sản xuất cà phê trộn nhưng trên bao bì sản phẩm vẫn khẳng định “cà phê nguyên chất 100%” (?!).

Nói cách khác, ngoài những doanh nghiệp thừa nhận thì phần lớn các doanh nghiệp sản xuất cà phê Việt trên thị trường hiện nay vẫn chưa minh bạch chất lượng sản phẩm, đánh lừa người tiêu dùng.  

Điều đáng nói, trong khi quy chuẩn về cà phê Việt Nam vẫn chưa được quy định và cơ quan chức năng còn đang “vướng víu” phân chia trách nhiệm quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh cà phê kém chất lượng, cà phê “bẩn”, thì nhiều doanh nghiệp vẫn lập lờ thành phần trên nhãn mác sản phẩm.

Người tiêu dùng bỏ tiền ra mua, rồi lại phải “đánh cược” sức khỏe của mình khi không thể chắc chắn là cà phê hay chỉ là đậu nành rang cháy, thêm tinh chất cà phê...

Có lẽ, để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, các cơ quan quản lý cần sớm bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy định tiêu chuẩn cà phê, ngăn ngừa việc thiếu minh bạch, gian lận trong sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê. 

Thu Phương