LTS: Là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), Thương hiệu và Công luận đăng tải loạt bài viết này mới mục đích tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, và công tác quản lý, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, gian lận kinh tế của các cơ quan chức năng TP. HCM tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân; Bảo vệ thương hiệu cho các đơn vị kinh doanh, buôn bán đúng quy định của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; Lên án hành vi vi phạm pháp luật, hạn chế phát sinh những hệ lụy không đáng có cho người dân địa phương và xã hội…

Đồ chơi trẻ em "nhiều không" bày bán la liệt tại các nhà sách

Cụ thể, theo ghi nhận của phóng viên Thương hiệu và Công luận, tại nhà sách Đà Nẵng của Công ty TNHH sách Đà Nẵng (số 10, đường Nguyễn Gia Trí, phường 25, quận Bình Thạnh) bày bán la liệt các loại đồ chơi trẻ em với đầy đủ mẫu mã, chủng loại như: Ô tô điều khiển, búp bê, đồ nấu ăn, bộ xếp hình lego, các loại siêu nhân, quạt gió mini... Bên cạnh những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, thì tại đây bày bán rất nhiều loại đồ chơi mà trên bao hộp của sản phẩm hoàn toàn là tiếng nước ngoài, không có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt theo đúng quy định, “mập mờ” về nguồn gốc, xuất xứ.

Nhà sách Đà Nẵng có đị chỉ tại số 10, đường Nguyễn Gia Trí, phường 25, quận Bình Thạnh, TP. HCM
Nhà sách Đà Nẵng có địa chỉ tại số 10, đường Nguyễn Gia Trí, phường 25, quận Bình Thạnh, TP. HCM. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Đơn cử như, rất nhiều chiếc quạt gió mini có tên trên bao bì là “MINI FAN” được bày bán trong nhà sách Đà Nẵng với giá trên dưới 100.000 đồng. Tuy nhiên, trên bao bì sản phẩm này không có tem, nhãn hay bất cứ thông tin gì bằng tiếng Việt. Khi hỏi về nguồn gốc của những chiếc quạt này, nhân viên bán hàng tại đây cho hay: “Đây là quạt mini có xuất xứ từ Trung Quốc – phải dịch từ tiếng nước ngoài sang chứ không có tem, nhãn bằng tiếng Việt”.

Quạt gió mini “MINI FAN”, ô tô điều khiển nhập khẩu không có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt theo đúng quy định
Quạt gió mini “MINI FAN”, ô tô điều khiển nhập khẩu không có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt theo đúng quy định. Ảnh: Nguyễn Tùng

Bên cạnh đó, các sản phẩm đồ chơi khác có tên trên bao bì, như: MAGIC CUBE được bán với giá giá 45.000 đồng/sản phẩm; xe ô tô điều khiển giá 50.000 đồng/sản phẩm… đều có dòng chữ “Made in China” và mọi thông tin trên bao bì đều bằng tiếng Trung Quốc, không hề có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt, nhưng vẫn được bày bán tại nhà sách này.

Sản phẩm đồ chơi “MAGIC CUBE” xuất xứ từ Trung Quốc, không có tem, nhãn phụ đang được bày bán tại nhà sách Đà Nẵng
Sản phẩm đồ chơi “MAGIC CUBE” xuất xứ từ Trung Quốc, không có tem, nhãn phụ theo quy định được bày bán tại nhà sách Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ của doanh nghiệp sách Thành Nghĩa TP. HCM (551ABC, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh) cũng bày bán các loại đồ chơi trẻ em, như: Búp bê, đồ chơi bóng bàn, đồ dây nhảy, điện thoại siêu nhân, ô tô điều khiển… Tiến hành kiểm tra thông tin trên sản phẩm có tên “điện thoại siêu nhân”, thì phóng viên nhận thấy, mọi thông tin trên sản phẩm đều là tiếng nước ngoài, không có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Khi được thắc mắc về nguồn gốc của sản phẩm này, thì nhân viên thu ngân tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ không ngần ngại, chỉ tay vào dòng chữ “Made in China” được in trên bao bì sản phẩm (có xuất xứ từ Trung Quốc – PV). 

Nhà sách Nguyễn Văn Cừ có địa chỉ tịa số 551ABC, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh, TP. HCM
Nhà sách Nguyễn Văn Cừ có địa chỉ tịa số 551ABC, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh, TP. HCM. Ảnh: Nguyễn Tùng.
Đồ chơi “điện thoại siêu nhân” xuất xứ từ Trung Quốc những không có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt
Đồ chơi “điện thoại siêu nhân” có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng không có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Ngoài ra, các loại đồ chơi như: Dây nhảy có giá bán 92.000 đồng/bộ, đồ chơi bóng bàn – TABLE TENNIS có giá 85.000 đồng/bộ, búp bê nhựa – HAPPY BABY có giá 39.000 đồng/sản phẩm, một số sản phẩm tạo hình siêu nhân có giá trên dưới 200.000 đồng/sản phẩm, quạt gió mini có giá 70.000 đồng/cái, đồ chơi xe ô tô tên in trên bao bì là CITY BUSES có giá 130.000 đồng/chiếc, BEN 10 giá 130.000 đồng/sản phẩm… cũng không hề có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt, mập mờ về nguồn gốc xuất xứ, và không có hướng dẫn sử dụng... Theo quan sát, hầu hết những sản phẩm này đều có số đầu mã vạch từ 690 đến 699 (hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc - PV). Thậm chí, có nhiều loại sản phẩm đồ chơi mà thông tin trên bao bì đã bị mờ, có dấu hiệu bị tẩy xóa.

Nhiều loại đồ chơi “mập mờ” về nguồn gốc, xuất xứ đang được bày bán công khai tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ có địa chỉ tịa số 551ABC, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh
Nhiều loại đồ chơi “mập mờ” về nguồn gốc đang được bày bán công khai tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ có địa chỉ tại số 551ABC, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Nguyễn Tùng.
Nhiều loại đồ chơi đã có dấu hiệu cũ, mờ những thông tin in trên bao bì sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Tùng
Trên bao bi của một số sản phẩm thông tin bị mờ, có dấu hiệu bị tẩy xóa. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Đặc biệt, khi phóng viên mua 1 sản phẩm đồ chơi có tên “điện thoại siêu nhân” có giá 78.000 đồng. Tuy nhiên, trên hóa đơn bán lẻ của nhà sách Nguyễn Văn Cừ lại không thể hiện đúng nội dung tên sản phẩm đã bán, thay vào đó là hóa đơn ghi nội dung “sách các loại” và tính đúng giá được ghi trên sản phẩm. Vì sao việc xuất hóa đơn của nhà sách này lại không ghi rõ nội dung tên hàng hóa? Phải chăng, có vấn đề gì khuất tất ở đây?

Hóa đơn bán lẻ của nhà sách Nguyễn Văn Cừ không thể hiện đúng nội dung tên sản phẩm đã bán
Hóa đơn bán lẻ của nhà sách Nguyễn Văn Cừ không thể hiện đúng nội dung tên sản phẩm đã bán cho người mua. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Tương tự, tại nhà sách Đất Việt (164 quốc lộ 13, phường 26, quận Bình Thạnh), phóng viên được người bán hàng tư vấn một số loại đồ chơi nhập khẩu: Súng bắn bóng có giá 210.000 đồng/bộ, ô tô điều khiển có giá 160.000 đồng/bộ… “đây là đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc – anh cứ nhìn số đầu mã vạch mà từ 690 đến số 699 là đồ xuất xứ từ Trung Quốc đó anh”, người bán hàng nói.

Khi được thắc mắc, tại sao những sản phẩm này lại không có tem, nhãn bằng tiếng Việt, thì nhân viên không trả lời được, mà chỉ cho biết: “Nếu anh muốn có tiếng Việt thì ở đây có một số loại đồ chơi được sản xuất ở Việt Nam, anh có thể tham khảo”.

Nhà sách Đất Việt có địa chỉ tại số 164 quốc lộ 13, phường 26, quận Bình Thạnh, TP. HCM
Nhà sách Đất Việt có địa chỉ tại số 164 quốc lộ 13, phường 26, quận Bình Thạnh, TP. HCM. Ảnh: Nguyễn Tùng.
Nhiều sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, không có tem, nhãn tiếng Việt được bán tại nhà sách Đất Việt
Nhiều sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng trên bao bì không có tem, nhãn tiếng Việt được bán tại nhà sách Đất Việt. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Cũng tại một nhà sách Đất Việt, có địa chỉ 188B quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức, nhiều loại đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc, không gắn dấu hợp quy, không có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt theo đúng quy định như: ROBOT có giá 160.000 đồng/sản phẩm, ô tô điều khiển có tên BRAVE bán với giá 280.000 đồng/chiếc… cũng được công khai bày bán.

Khi thấy phóng viên lưỡng lự khi chọn mua sản phẩm, vì trên bao bì toàn chữ Trung Quốc, thì nhân viên bán hàng tại đây trấn an: “Đồ chơi bán ở Việt Nam 80% là hàng Trung Quốc anh ạ, nhiều khi hàng nội địa Trung còn tốt hơn hàng nước khác”.

Nhà sách Đất Việt có địa chỉ tại số 188B quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức
Nhà sách Đất Việt có địa chỉ tại số 188B quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Tại nhà sách Nguyễn Huệ (40 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1), của Công ty cổ phần phát hành sách TP. HCM – Fahasa cũng bày bán la liệt các sản phẩm đồ chơi trẻ em nhập khẩu từ Nhật Bản, như: ONE PIECE VOL.2 -USOPP có giá bán 199.000 đồng/bộ, ONE PIECE VOL.2 - BROOK có giá 199.000 đồng/bộ, ONE PIECE VOL.2 - MONKEY.D.LUFFY có giá 399.000 đồng/bộ, DRAGON BALL Z có giá 449.000 đồng/bộ, A. SUPER SAIYAN SONGOKU có giá 449.000 đồng/bộ và một số sản phẩm búp bê khác có giá trên dưới 200.000 đồng/sản phẩm… Nhưng, trên bao bì của những sản phẩm này không hề có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt theo đúng quy định, mọi thông tin trên sản phẩm đều là tiếng nước ngoài.

Theo nhân viên bán hàng của nhà sách thì: “Đây là hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, nên không có tiếng Việt đâu anh ạ. Phía bên trong mỗi sản phẩm này đều có hướng dẫn bằng hình ảnh, rất dễ để lắp ráp”.

Nhà sách Nguyễn Huệ có địa chỉ tại số 40 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1
Nhà sách Nguyễn Huệ có địa chỉ tại số 40 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1. Ảnh: Nguyễn Tùng.
Nhà sách Nguyễn Huệ bày bán hàng nghìn sản phẩm đồ chơi đủ mẫu mã, chủng loại, từ hàng sản xuất tại Việt Nam cho đến hàng nhập khẩu
Nhà sách Nguyễn Huệ bày bán la liệt các sản phẩm đồ chơi, với đủ mẫu mã, chủng loại, từ hàng sản xuất tại Việt Nam cho đến hàng nhập khẩu. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Đáng nói, rất nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em nhập khẩu được bày bán tại những nhà sách nêu trên đều có hình cảnh báo nguy hiểm. Thậm chí, có những sản phẩm còn cảnh báo trẻ trên 13 tuổi mới được sử dụng (bằng chữ nước ngoài). Nhưng, thật nghịch lý khi những sản phẩm này được các nhà sách bán ra thị trường lại không hề có tem, nhãn phụ hay bất cứ thông tin gì bằng tiếng Việt.

Mặc dù có vị trí ngay tại quận trung tâm của TP. HCM, tuy nhiên, nhà sách Nguyễn Huệ vẫn bày bán nhiều sản phẩm đồ chơi “mập mờ” về nguồn gốc, xuất xứ
Mặc dù có vị trí ngay tại quận trung tâm của TP. HCM, tuy nhiên, nhà sách Nguyễn Huệ vẫn công khai bày bán nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em “mập mờ” về nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Pháp luật cũng quy định rất rõ về việc đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường phải chịu sự kiểm tra về chất lượng theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tuy nhiên, các nhà sách trên lại có dấu hiệu xem thường pháp luật, vì lợi nhuận mà quên đi trách nhiệm với cộng đồng, xã hội…

Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em QCVN 3:2019/BKHCN. Theo Quy chuẩn này, các loại đồ chơi trẻ em phải có nhãn hàng hóa theo quy định hiện hành. Nội dung ghi nhãn phải rõ ràng, dễ đọc, khó tẩy xóa và theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐCP ngày 14/04/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Sử dụng đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể dẫn đến nhiều nguy cơ về sức khỏe cho trẻ em

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, đồ chơi trẻ em đa phần được sản xuất từ nhựa, khi tiếp xúc với nhiệt độ cao đều sản sinh chất độc hại. Quá trình gia công nhựa, nhà sản xuất có thể đưa vào một số chất hóa dẻo, chất phụ gia. Đặc biệt, các sản phẩm có chứa chất hóa dẻo khi ở nhiệt độ cao sẽ thải ra chất độc hại gây ảnh hưởng sức khỏe con người như tim mạch, tuần hoàn máu hay thậm chí có thể gây ra bệnh tâm thần, ung thư…

Các sản phẩm càng nhiều màu sắc thì tiềm ẩn nguy cơ độc hại càng cao. Nguyên nhân là do dung dịch tạo màu này là màu công nghiệp được tạo nên từ các loại hóa chất độc hại như crom, chì, thủy ngân… Bên cạnh đó, các loại đồ chơi bằng nhựa luôn có chất hóa dẻo phthalate, chất này dễ dàng rời bỏ chất gốc và dễ phân tán vào cơ thể nếu nó tiếp xúc với nhiệt độ nóng, khi trẻ ngậm đồ chơi hoặc qua đường hô hấp.

Theo các chuyên gia cho biết: Phthalate là một chất hóa học được thêm vào trong quá trình sản xuất nhựa, sơn nhằm làm thay đổi tính chất cơ bản của vật liệu. Phthalate có những tác hại: gây hại cho sự phát triển trí não, phát triển hành vi và sự phối hợp giữa các cơ ở trẻ; tác động đến hàm lượng hormone tuyến giáp vốn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não của thai nhi và trẻ sơ sinh…

Bên cạnh đó, những món đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng gây ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ của trẻ nhỏ khi tiếp xúc trực tiếp. Nếu sử dụng trong thời gian dài, những chất này xâm nhập vào cơ thể bằng cách tiếp xúc qua da, đường miệng, hoặc thông qua đường hô hấp sẽ khiến trẻ dễ mắc các nguy cơ về ngộ độc, rối loạn chức năng hay vô sinh hoặc thậm chí có thể bị ung thư…

Rõ ràng những sản phẩm đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần… có tác hại rất lớn tới sức khỏe của trẻ nhỏ, thế nhưng tại sao các nhà sách như: Đà Nẵng, Nguyễn Văn Cừ, Đất Việt, Nguyễn Huệvẫn bán các loại sản phẩm đó?

Trước tình trạng nêu trên, các cơ quan trực thuộc Ban Chỉ đạo 389, Cục Quản lý thị trường TP. HCM kiểm tra, giám sát thị trường thế nào? Trường hợp xảy ra sự cố đáng tiếc với trẻ thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? 

Việc kinh doanh các hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ, buôn bán hàng giả tùy theo chủ thể và tính chất, mức độ vi phạm mà hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Mục 9, Chương II Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/08/2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 100.000.000 đồng, tùy từng hành vi mà chủ thể vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả.

Bên cạnh đó, chế tài hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015 về hành vi sản xuất buôn bán hàng giả cũng nghiêm khắc hơn, người phạm tội sản xuất buôn bán hàng giả có thể bị phạt tù đến 15 năm.

Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về thực trạng các loại hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc… có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật đang được công khai bán ra thị trường tại TP. HCM ở các bài tiếp theo.

Nguyễn Tùng - Thuận Yến