Nhằm tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, và công tác quản lý, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, gian lận kinh tế của các cơ quan chức năng TP. HCM tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân; Bảo vệ thương hiệu cho các đơn vị kinh doanh, buôn bán đúng quy định của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; Lên án hành vi vi phạm pháp luật, hạn chế phát sinh những hệ lụy không đáng có cho người dân địa phương và xã hội… Thương hiệu và Công luận đã đăng tải loạt bài gồm: Các cơ quan chức năng tại TP. HCM phòng chống hàng giả, hàng nhái như thế nào?; Bài 2: Hàng loạt cửa hàng tại TP. HCM bán rượu ngoại không nhãn phụ, mập mờ về nguồn gốc?Bài 3: Sữa hộp nhập khẩu “nhiều không” bày bán la liệt trên các tuyến phố tại TP. HCM; Bài 4: Nhiều đại lý tại TP. HCM bán ghế massage Shika nhập khẩu không có tem nhãn phụ, phản ánh về thực trạng các loại hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc… có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật đang được công khai bán ra thị trường tại TP. HCM. |
Đồng hồ hàng hiệu có giá vài trăm nghìn đồng
Cụ thể, dọc tuyến đường Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp), hàng loạt cửa hàng đồng hồ như: Thiên Phú (22 Nguyễn Oanh, phường 7, quận Gò Vấp), Ngọc Hân (18 Nguyễn Oanh, phường 7, quận Gò Vấp), đồng hồ Phương (20 Nguyễn Oanh, phường 7, quận Gò Vấp)… bày bán công khai các loại đồng hồ nhái thương hiệu Patek Philippe, Cartier, Rolex, Omega... Các mặt hàng này được bán ra thị trường với mức giá từ 550.000 đồng đến vài triệu đồng. Có thể dễ dàng nhận thấy, giá của từng chiếc đồng hồ được chủ tiệm viết tay và dán nhãn trên từng chiếc mà không hề được niêm yết giá.
Trong vai người mua, phóng viên được nhân viên chào hàng một cách nhiệt tình với các mức giá hấp dẫn. Hỏi mua một chiếc đồng hồ hiệu Rolex, nhân viên cửa hàng cho biết đây, là hàng copy, giá chỉ 500.000 đồng, chống trầy xước.
Người bán hàng còn cho biết thêm: “Ở đây chị có hàng loại 1, hàng liên doanh. Hàng thì thương hiệu Nhật nhưng lắp rắp chủ yếu ở Trung Quốc hết. Hàng chính hãng của nó thì có giá vì chục cho đến vài trăm triệu đồng chứ không rẻ đâu em”.
Khi được hỏi về việc có bảo hành không, nhân viên cho biết: “Hàng chỉ lấy tên thương hiệu thôi em, bảo hành máy 01 năm, pin là 03 tháng, đây không phải hàng chính hãng nhưng máy của Nhật, giống y chang hàng thật. Em thích thì chị viết giấy bảo hành cho em yên tâm”.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều mặt hàng nhái, giả thương hiệu. Hàng fake cũng được chia theo nhiều cấp bậc, được gia công một cách tinh xảo, người mua khó mà phân biệt được. Từ cửa hàng lớn nhỏ cho đến các chợ, đồng hồ nhái thương hiệu bày bán công khai như một điều nghiễm nhiên.
Ghé một tiệm đồng hồ tại chợ Thủ Đức, chúng tôi ghi nhận tại đây bày bán đồng hồ đeo tay nhái nhiều thương hiệu nổi tiếng từ Omega, Hermes, Rado, Longines, Rolex cho đến Chanel với giá từ 250.000 đồng cho đến 3 triệu đồng. Giá của những sản phẩm đa dạng tùy vào từng loại, kiểu mẫu từ vài chục cho đến hàng triệu đồng.
Khi hỏi mua một chiếc đồng hồ Omega, người bán giới thiệu: “Em cứ yên tâm, đồng hồ ở đây có bảo hành trong vòng 1 năm. Omega được nhiều người mua lắm. Đây là hàng của Nhật đảm bảo. Mua ở đây thì em yên tâm, mua trên mạng mới lo, chứ ở đây bán mấy chục năm trời rồi không gạt được. Hàng thật thì thiều tiền lắm”.
Khi chúng tôi từ chối vì lý do không đủ tiền mua hàng loại 1, chủ cửa hàng cho biết vẫn còn hàng loại 2 với giá rẻ hơn. Sau đó người bán đưa ra một chiếc đồng hồ hiệu Rolex , với hàng chính hãng có giá từ 100 triệu đồng cho đến tiền tỉ, thế nhưng đồng hồ Rolex chỉ có giá… 300.000 đồng.
Thú vị hơn, nếu chúng tôi muốn mua sỉ, giá bán còn có thể giảm xuống 250.000 đồng/cái, với số lượng 5 đồng hồ trở lên.
Người bán hàng nói: “Hàng thật thì làm sao mà bán ở đây, hàng nhái thôi chị ơi"
Cùng mới mặt hàng đồng hồ, mắt kính nhái thương hiệu cũng được bày bán la liệt và công khai với mức giá hấp dẫn. Một chiếc mắt kính hàng hiệu được bán trên các website chính hãng tính bằng giá hàng nghìn USD, nhưng được làm nhái bán tại các khu chợ, cửa hàng trên địa bàn TP. HCM giá chỉ còn vài chục cho đến vài trăm nghìn đồng.
Cụ thể, tại các sạp hàng, ki-ốt lớn nhỏ tại khu vực chợ Hạnh Thông Tây, chợ Hoàng Hoa Thám, chợ Bà Chiểu bày bán không ít các mặt hàng mắt kính nhái đa dạng các thương hiệu Gucci, RayBan, Chanel,… Điều đáng nói, giá của một chiếc mắt kính chỉ từ vài chục nghìn đồng cho đến vài trăm. Các sản phẩm còn được gắn mác đa dạng từ Tây, Tàu cho đến Việt…
Tại một cửa hàng thuộc chợ Hạnh Thông Tây, trong vai người mua hàng, chúng tôi được người bán giới thiệu đủ các loại và giá cả một cách nhiệt tình. Khi được hỏi đây là hàng thật hay giả, người bán không ngần ngại trả lời: “Hàng thật thì làm sao mà bán ở đây, hàng nhái thôi chị ơi. Giá cao nhất của nó chỉ có 300.000 đồng thôi, cao hơn nữa là đã không ai mua rồi”.
Đeo thử một vài chiếc kính hiệu RayBan, Gucci, chúng tôi được người bán giới thiệu thêm: “Hàng này tuy giá rẻ nhưng về chất lượng thì chị cứ yên tâm, chị nhìn nó đi, y như thật, sơn phủ bền dễ gì bay được. Chị cứ thử, thích cái nào thì em lấy cho, không được cũng không sao”.
Theo ghi nhận, những chiếc mắt kính tại khu chợ này có giá từ 40.000 - 80.000 đồng, những loại để trong hộp thì có giá từ 150.000 - 300.000 đồng. Những sản phẩm có giá cao hơn, chủ cửa hàng sẽ bảo hành và đổi trả cho khách hàng.
Thực tế, muốn mua được các mặt hàng chính hãng, thì người mua phải tìm đến những cửa hàng lớn, đại lý lớn có uy tín. Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên, tại một số cửa hàng mắt kính lớn trên địa bàn TP.HCM, như: Mắt kính Thái Việt Anh (địa chỉ 575 Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp), mắt kính Việt Tiến (địa chỉ 398 Lê Quang Định, phường 11, quận Bình Thạnh), cửa hàng mắt kính Điện Biên Phủ (địa chỉ 355Đ Phạm Văn Đồng, phường 13, quận Bình Thạnh),… cũng bày bán la liệt các loại mắt kính nhái thương hiệu Gucci, Dior, RayBan... Các sản phẩm này được bán với giá vài trăm cho đến một triệu đồng.
Khi được hỏi có phải hàng thật hay không, nhân viên bán hàng tại cửa hàng mắt kính Việt Tiến cho hay: “Hàng thật đến mấy chục triệu lận, nếu muốn mua chị phải đặt trước mới có hàng”. Khi chúng tôi thắc mắc về chất lượng, nhân viên liền nói: “Chị cứ yên tâm, đây là hàng công ty, cũng chất lượng lắm, hàng chính hãng thì giá cao”.
Vì sao các loại đồng hồ, kính mắt giả lại có thể công khai kinh doanh, buôn bán tại nhiều tuyến phố tại TP. HCM như chỗ không người? Các cơ quan trực thuộc Ban chỉ đạo 389, Cục Quản lý thị trường TP. HCM kiểm tra, giám sát thị trường thế nào? Để xảy ra thực trạng nêu trên, thì trách nhiệm thuộc về ai? Có lẽ đây là câu hỏi đang được đông đảo dư luận đặt ra, chờ câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng TP. HCM!
Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả, Bộ luật Hình sự 2015 quy định:
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Làm chết người;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
k) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
l) Buôn bán qua biên giới;
m) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
c) Làm chết 02 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Thương hiệu và Công luận tiếp tục thông tin đến bạn đọc về thực trạng các loại hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc… có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật đang được công khai bán ra thị trường tại TP. HCM ở các bài tiếp theo.
Phong Vân