Đã lên kế hoạch quy hoạch tới 2 lần, lần gần đây nhất cũng đã tới 10 năm, vậy nhưng hệ thống bến bãi đỗ xe của Hà Nội, vẫn tồn tại tình trạng quá tải, nạn bến cóc, xe dù vẫn hoành hành.
Nhiều bến xe quá tải
Nhiều khu vực dự định xây bến bãi, cũng bị bóp méo vì mục đích kinh doanh. Dự kiến, xây dựng 6 bến xe khách liên tỉnh và hoàn thiện mạng lưới các bãi đỗ xe công cộng, từ nay đến năm 2020, còn quá nhiều thách thức…
Còn nhiều bất cập
Theo thống kê của UBND TP. Hà Nội, hiện diện tích dành cho đỗ xe trên địa bàn đang quá ít, chỉ có khoảng 687 điểm đỗ có phép với diện tích khoảng 12,45 ha (chỉ đạt 3,58% so với chỉ tiêu là 348,13 ha đã được quy định tại Quyết định 165/2003/QĐ-UB của UBND TP. Hà Nội phê duyệt quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn thành phố đến năm 2020).
Trong khi đó, Hà Nội với khoảng 6 triệu dân và hơn 4,8 triệu ô tô, xe máy đã tạo áp lực lớn lên giao thông đô thị, đặc biệt là giao thông tĩnh. Để xử lý bài toán thiếu chỗ đỗ xe tại các quận trung tâm, nơi mà diện tích đất dành cho giao thông tĩnh vốn dĩ đã rất hạn hẹp, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định số 165/2003/QĐ-UB năm 2003, về kế hoạch quy hoạch quản lý, xây dựng bến bãi trên địa bàn thành phố.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, Hà Nội dự kiến sẽ xây thêm 6 bến xe khách liên tỉnh, quy hoạch lại mạng lưới bến đỗ xe, dành 703 ha đất để xây dựng 34 điểm đỗ xe, chấm dứt tình trạng đỗ xe trên hè phố, đỗ xe sai quy hoạch, để ổn định giao thông trong 7 quận nội thành Hà Nội. Dự kiến, quy hoạch này sẽ chia điểm đỗ xe thành 3 loại, là điểm đỗ cấp đô thị (loại 1); điểm đỗ cấp quận, huyện (loại 2); điểm đỗ cấp phường, xã (loại 3).
Tuy nhiên, đã 10 năm trôi qua, từ khi Quyết định 165 được ban hành, công cuộc quy hoạch mới chỉ là những quyết định nằm trên giấy, do thiếu vốn, đầu tư không đồng bộ, thiếu định hướng và không nghiên cứu chính xác được mạng lưới giao thông nội đô. Công suất hiện tại của các bến bãi chỉ đáp ứng được từ 8 - 10% nhu cầu của các phương tiện vận tải. Đây chính là những nguyên nhân gây quá tải bến bãi, nảy sinh nạn bến cóc, xe dù…
Cụ thể, các điểm quy hoạch bãi đỗ ngầm như tại Công viên Lê Nin, Công viên Thủ Lệ, Vườn hoa Hàng Đậu, vườn cây cạnh khu Văn Miếu… hiện vẫn chưa có chủ đầu tư. Nhiều quỹ đất dành để quy hoạch các bãi đỗ xe, bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích, như 3.000 m² đất tại tuyến giao cắt đường Nguyễn Đình Chiểu - Trần Nhân Tông; 3.000 m² đất trên phố Phan Chu Trinh; 2.000 m² trong khuôn viên Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô; 2.000 m² đất trên đường Tràng Thi; 1.400 m² tại góc phố Hai Bà Trưng - Hàng Bài… không được xây dựng thành các bến bãi ngầm, hay bãi đỗ cao tầng để quy hoạch điểm đỗ xe, theo Quyết định 165, mà được chuyển đổi mục đích, trở thành những dự án xây dựng siêu thị, tòa nhà văn phòng cho thuê, hay thành những điểm kinh doanh, buôn bán.
Theo lý giải của một số chủ đầu tư, họ không mặn mà với việc xây bến bãi vì việc giải phóng mặt bằng, di dời, thủ tục hành chính và các chi phí để triển khai xây dựng bến bãi đỗ xe rất lớn. Tính riêng cho việc thực hiện đủ các thủ tục thành lập dự án cũng mất đến 2 năm, chưa kể sau khi hình thành, sẽ đội thêm cả trăm loại phí mà không khẳng định được có thu được lời hay không…
Cần rà soát quy hoạch đồng bộ
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, việc quy hoạch bến bãi theo Quyết định 165, sở dĩ không triển khai được vì thiếu vốn ngân sách. Sau đó, 34 điểm quy hoạch bãi đỗ xe được kêu gọi xã hội hóa bởi doanh nghiệp, hoặc chuyển đổi thành các dự án khác với nhiều mục đích cấp thiết hơn.
Sự chuyển đổi mục đích do các cấp có thẩm quyền và UBND TP. Hà Nội quyết định, Sở Giao thông Vận tải chỉ có thẩm quyền rà soát và tham mưu về các cơ chế, chính sách quy hoạch, chứ không có quyền quyết định. Ông Linh cho biết, từ cuối năm 2011, Sở đã rà soát, bổ sung hơn 40 dự án bãi trông giữ xe mới, nhưng chưa được UBND TP. Hà Nội phê duyệt nên chưa thể triển khai. Bên cạnh đó, Sở cũng đề xuất di chuyển 11 bến xe liên tỉnh, nằm cạnh các đường vành đai, trục xuyên tâm của thành phố, ra vùng ngoại thành.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia giao thông, Hà Nội cần tính toán thật kỹ đến việc di chuyển các bến xe như các bến Nước Ngầm, Mỹ Đình, Lương Yên, Giáp Bát ra khỏi khu vực nội đô.
Việc di dời bến xe vì lý do quá tải, tắc nghẽn, để thay thế bằng các trung tâm thương mại, các tòa cao ốc văn phòng, liệu có giúp giao thông nội đô thông thoáng hơn? Hay quyết định xây bãi đỗ xe rộng 6 ha tại nút giao thông Pháp Vân - Vành đai 3, bến xe khách sát cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài, đang được đánh giá là những quy hoạch thiếu tính khoa học, tiềm ẩn nguy cơ xung đột giao thông…
Rõ ràng, sau hàng chục năm quy hoạch, bộ mặt các bến xe Hà Nội vẫn trong tình trạng quá tải, xuống cấp. Bến xe Yên Nghĩa được đầu tư hàng trăm tỷ đồng với diện tích sử dụng gần 40.000 m² cho hệ thống bến động, bến tĩnh sân lưu bến, nhà ăn, cây xăng và các loại dịch vụ khác…, nhưng vẫn ế khách. Các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát và nhiều bến xe khác, nơi thì quá tải, nơi xập xệ không được sửa chữa; rất nhiều bến bãi khác mới chỉ quy hoạch trên giấy.
Mới đây, quyết định điều chuyển gần 500 tuyến xe tại bến Mỹ Đình sang các bến Nước Ngầm, Lương Yên…, và nỗ lực giải quyết nạn bến cóc, xe dù, định hướng việc quy hoạch bến bãi đến 2030 và tầm nhìn đến 2050 cũng đã thể hiện sự quyết tâm vào cuộc của các cấp ban, ngành.
Câu hỏi đặt ra: Trong khi thành phố đang "khát" bến bãi thì không biết đến bao giờ, các dự án bãi, điểm đỗ xe này mới trở thành hiện thực?
Thay bằng những kế hoạch dài hơi hoặc việc ban hành quyết định xây mới, hoặc quy hoạch nửa vời, thiếu đồng bộ, Hà Nội cần rà soát, điều chỉnh cân bằng công suất các bến và có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa, dành quỹ đất hợp lý để xây các bãi đỗ xe. Có như thế, kỳ vọng về một hệ thống bến bãi văn minh, hiện đại mới có cơ sở để thực hiện.
Nguyễn Hạnh