Báo chí kỷ nguyên số: Nội dung là vua, công nghệ là nữ hoàng - Hình 1

Phóng viên tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2019

Nỗ lực để không bị tụt hậu…

CMCN 4.0 - xu hướng hiện đại của tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Bản chất là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Trong lĩnh vực báo chí truyền thông, CMCN 4.0 đã - đang và sẽ tác động trực tiếp đến sự “sinh tồn và phát triển” của các phương tiện truyền thông truyền thống, ảnh hưởng mạnh mẽ đến kỹ năng tác nghiệp của người làm báo.

TS. Trần Quang Diệu (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng: “CMCN 4.0 là đỉnh cao của tự động hóa, sẽ tạo ra một lớp công chúng tương thích của thời kỳ truyền thông số. Từ cách tiếp cận với các tờ báo in, phát thanh, truyền hình truyền thống, thông qua công nghệ và các thiết bị thông minh, công chúng có thể tiếp nhận thông tin rất nhanh chóng, chân thực hơn. Cách thức làm báo cũng thay đổi nhanh chóng. Nhà báo, phóng viên (sau đây gọi chung PV) có thể làm việc mọi nơi, mọi lúc với điện thoại thông minh, máy tính xách tay có kết nối Internet… Có thể nói, CMCN 4.0 đang điều chỉnh không gian sống của đông đảo công chúng và người làm báo phải làm chủ công nghệ để truyền tải thông tin thật nhanh.

Phó TGĐ TTXVN Lê Quốc Minh chia sẻ: “Thực tế, việc báo chí phải đối diện với sự cạnh tranh từ mạng xã hội không còn là điều xa lạ, nhất là về hiệu ứng lan truyền thông tin. Công chúng sở hữu những phương tiện nghe, nhìn hiện đại, nhiều tính năng, đòi hỏi báo chí phải tìm cách thích ứng với thời cuộc để không bị bỏ lại phía sau”.

Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm nhìn nhận, chưa bao giờ việc sàng lọc thông tin trên mạng lại khó như hiện nay khi ai cũng có thể chia sẻ và khai thác thông tin trên mạng xã hội. Mỗi tòa soạn/PV đều xác định hoàn thành mục tiêu có thật nhiều lượt truy cập (view) với các bài viết của mình sau khi xuất bản. Đây là thực tế khiến mạng xã hội Facebook thu quảng cáo rất lớn, nguy cơ “nuốt chửng” một số tờ báo/tạp chí điện tử. Để thu hút bạn đọc trong kỷ nguyên số, người làm báo hoàn toàn có thể chủ động khai thác, tận dụng thành tựu công nghệ để nâng cao chất lượng bài viết, từ đó tăng lượng truy cập.

Hiện nay, trong hoạt động báo chí thường nhắc đến “nội dung là vua, công nghệ là nữ hoàng”. Rõ ràng, chính những người làm báo đã nhận ra thách thức trong thời kỳ công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Ở mức độ nào đó, tất cả đều đang cố gắng thích ứng để không bị tụt hậu, tìm giải pháp để vươn lên.

Làm báo trong xu thế CMCN 4.0, cần phải thay đổi để thích nghi với những biến chuyển về công nghệ, cách thức tiếp cận thông tin của công chúng. Tuy nhiên,vẫn có những giá trị phổ quát không bao giờ mất đi, không bao giờ suy giảm tầm quan trọng... Chỉ khi giữ được những giá trị đó, thì báo chí mới có thể biến thách thức thành cơ hội và tận dụng tối đa cơ hội đó để phát triển bền vững; bất kể đó là thách thức từ CMCN 4.0 hay những cuộc cách mạng kỹ thuật tiếp theo.

Thách thức song hành với yêu cầu đổi mới, nhưng cũng tạo cơ hội cho các PV. Hàng loạt động thái của các cơ quan báo chí trong thời gian qua cho thấy sự chuyển mình rõ rệt. Nhiều nơi coi mạng xã hội như một mảnh đất tốt để đưa các sản phẩm báo chí chính thống đến với người đọc, người xem. Những mặt trái của mạng xã hội, trong đó, rõ nhất là nạn đưa tin giả, tin chưa được kiểm chứng… tạo hiệu ứng tuyên truyền rất xấu, nhưng đó cũng là cơ hội để các tờ báo khẳng định được vị trí, giá trị của mình thông qua việc đưa ra những bài viết phản biện với cách kiến giải trung thực, chính xác, sâu sắc, kịp thời.

Bên cạnh đó, sự chuyển động của báo chí trong thời đại CMCN 4.0 ngày càng được thể hiện rõ trong các hoạt động giải báo chí, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của người đọc. Đó là dấu ấn của công nghệ 4.0 trong Giải báo chí quốc gia hàng năm; Giải báo chí toàn quốc ở từng lĩnh vực, thể hiện rõ ở các thể loại báo giấy, báo hình, báo nói, báo điện tử.

Tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm 2018, lần đầu tiên, BTC trao Giải “Dàn dựng chương trình” để tôn vinh những kỹ sư âm thanh, kỹ thuật viên - những người thầm lặng góp phần làm nên những tác phẩm có giá trị trong giai đoạn hiện nay.

Khẳng định tâm thế người làm báo

Theo Nhà báo Trần Bá Dung (Trưởng ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam): Thách thức lớn nhất với người làm báo hiện nay đó là thu thập và xử lý thông tin trong một không gian mạng kết nối mở. Đó là sức ép về cường độ lao động, cạnh tranh thông tin, công chúng và thị phần báo chí - truyền thông.

Đây cũng là thách thức về mặt đạo đức nghề nghiệp. Trong một môi trường kết nối thông tin dễ dàng, thông tin trở nên có quyền lực, có giá trị trao đổi như hàng hóa, PV dễ bị cám dỗ vật chất, bị cuốn theo thông tin và lợi ích trước mắt, dễ bỏ qua những khâu kiểm chứng nguồn tin. Vì thế, những sai sót, sai phạm, nhầm lẫn thông tin do vô tình hay cố ý - sẽ khó tránh khỏi.

 “Trong môi trường kết nối thông tin toàn cầu, đa nền tảng và làm báo đa phương tiện, PV càng cần phải giữ vững những quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Ngoài việc đưa tin phải trung thực, chính xác, khách quan, PV phải có trách nhiệm với bài viết của mình; coi sự vu cáo, vu khống, sửa chữa tài liệu, làm biến dạng những hành động, sự kiện, sự dối trá là những lầm lỗi nặng nề nhất trong nghề nghiệp”, Nhà báo Trần Bá Dung nhấn mạnh.

Báo chí kỷ nguyên số: Nội dung là vua, công nghệ là nữ hoàng - Hình 2

Báo chí kỷ nguyên số:  Nội dung là vua,  công nghệ là nữ hoàng

Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Trong đó nêu rõ, PV phải “chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”. Bởi vì, phía sau thông tin của người đó trên mạng xã hội, còn là tư cách một PV. Trong môi trường thông tin toàn cầu, còn là trách nhiệm với quốc gia, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, từ mỗi bài viết, hình ảnh, thông điệp…

PCT thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Hồ Quang Lợi đánh giá, thích ứng với cuộc CMCN 4.0 là đòi hỏi mang tính sống còn với các cơ quan báo chí và điều đó sẽ làm thay đổi kỹ năng tác nghiệp của PV. Giờ đây, một PV không chỉ cần thành thạo kỹ năng viết tin, bài, chụp ảnh, mà còn phải biết làm video về cùng một sự kiện, bảo đảm sản phẩm của mình có thể được sử dụng cho cả báo in, báo điện tử, báo hình và phát thanh. Mặt khác, phương tiện tác nghiệp giờ không còn là cuốn sổ với cây bút hay máy tính xách tay. Thay vào đó, nhiều khi, PV phải biết sử dụng điện thoại thông minh như một “tòa soạn thu nhỏ”, nhanh chóng chuyển tác phẩm về tòa soạn và sau đó, đến bạn đọc dưới nhiều hình thức khác nhau.

Trong buổi tọa đàm “Ảnh báo chí - chuyện chưa kể”, PV Quỳnh Trang (Báo điện tử Zing.vn) chia sẻ: “Những năn qua, Tòa soạn đã hướng phóng viên cách làm việc “3 trong 1” (chụp ảnh, viết tin bài, thực hiện video clip). Mô hình này, cũng là xu hướng chung trong tác nghiệp của PV tại nhiều cơ quan báo chí hiện nay.

“Thời công nghệ số, PV có thể vừa biết viết, biết chụp ảnh, biết quay phim, biết sử dụng đồ họa, thậm chí biết cả lập trình”, ông Lê Quốc Minh nêu vấn đề và cho rằng, những tiện ích của công nghệ vô cùng quan trọng, nhưng không thể thay thế được “cái tâm” của người làm báo. Máy móc không làm cho chúng ta tất cả, người làm báo vẫn luôn phải giữ chữ tâm với nghề, đạo đức với nghề mới mang đến những thông tin hữu ích cho xã hội.

Theo PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí (Học Viện Báo chí và Tuyên truyền), dù công nghệ có phát triển đến đâu, với PV, quan trọng nhất vẫn là nền tảng kiến thức và đạo đức nghề nghiệp. Báo chí muốn phát triển thì phải tiếp thu được công nghệ, chứ không phải lệ thuộc vào công nghệ. Để làm được điều này, PV không chỉ rèn kỹ năng khai thác sử dụng thành tựu KH&CN, mà còn cần tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, nâng cao vốn sống, hiểu biết, vốn nghề, xác định tâm thế dấn thân…

Tại Hội thảo “Rèn luyện đạo đức và kỹ năng làm báo trong thời đại 4.0”, nhiều PV chung quan điểm, chính đạo đức của người làm báo, thái độ trân trọng sự thật, trách nhiệm với tin tức và sự dấn thân là những giá trị cơ bản, xuyên suốt của nghề báo mà không có máy móc hay công nghệ nào thay thế được. Quan trọng nhất, các cơ quan báo chí cần phải định hướng và tạo ra những lớp người làm báo đáp ứng được những tiêu chí về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.

Hoan Nguyễn