155 đối tượng được di lí về trụ sở tạm giữ của Công an đặc khu Tam Giác Vàng.
155 đối tượng được di lí về trụ sở tạm giữ của Công an đặc khu Tam Giác Vàng. (Ảnh: Công an Hà Tĩnh)

Từ năm 2023, các tổ chức tội phạm lừa đảo ở Đông Nam Á như: Campuchia, Philippin, Malaysia, Myanma… có xu hướng chuyển địa bàn hoạt động sang Lào. Các băng nhóm này thường xuyên thay đổi phương thức lừa đảo và mở rộng quy mô hoạt động. Đặc biệt, chúng đã tổ chức các hoạt động lừa đảo nhắm vào người Việt Nam, sử dụng chiến thuật “dùng người Việt lừa người Việt.” Điều này dẫn đến việc lôi kéo nhiều người Việt tham gia vào các tổ chức lừa đảo do người Trung Quốc cầm đầu. Chúng đã thiết lập một hệ thống hoạt động rộng lớn tại đặc khu kinh tế Tam giác vàng, nơi được coi là “thiên đường của tội phạm”.

Văn phòng làm việc, nơi các đối tượng thực hiện lừa đảo.
Văn phòng làm việc, nơi các đối tượng thực hiện lừa đảo. (Ảnh: Công an Hà Tĩnh)

Tại Hà Tĩnh, từ đầu năm 2024, Phòng Cảnh sát Hình sự nhận được nhiều đơn tố cáo liên quan đến các vụ lừa đảo qua mạng, trong đó nhiều nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn. Nhiều gia đình cũng kêu cứu về việc con em bị lừa sang Lào với lời hứa việc nhẹ lương cao nhưng thực tế bị cưỡng bức tham gia vào các hoạt động phạm pháp.

Lực lượng chức năng bắt giữ các đối tượng bỏ chạy theo hướng cầu thang bộ, ban công.
Lực lượng chức năng bắt giữ các đối tượng bỏ chạy theo hướng cầu thang bộ, ban công. (Ảnh: Công an Hà Tĩnh)

Thông qua quá trình điều tra và xác minh, lực lượng công an đã phát hiện một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia có liên quan đến nhiều loại tội phạm như mua bán người, tổ chức người vượt biên trái phép, và lừa đảo qua mạng. Chuyên án đã được xác lập để giải cứu các nạn nhân và bắt giữ các đối tượng phạm tội.

Tổ chức tội phạm này hoạt động dưới vỏ bọc của một doanh nghiệp hợp pháp trong đặc khu kinh tế, với mô hình tổ chức giống một công ty lớn. Các đối tượng tạo ra các tài khoản Facebook giả danh người thành đạt để tạo lòng tin với nạn nhân. Sau khi chiếm được lòng tin, chúng dụ dỗ nạn nhân đầu tư vào các dự án kinh doanh ảo để chiếm đoạt tài sản. Chỉ trong hai năm, tổ chức này đã lừa đảo hàng chục nghìn nạn nhân, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

Toà nhà phía trong đặc khu Tam Giác Vàng, sào huyệt của các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.
Toà nhà phía trong đặc khu Tam Giác Vàng, sào huyệt của các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. (Ảnh: Công an Hà Tĩnh)

Ngày 30/7/2024, mặc dù điều kiện thời tiết khắc nghiệt và địa hình phức tạp, các lực lượng công an từ Việt Nam và Lào đã phối hợp chặt chẽ để triển khai chiến dịch. Lực lượng chức năng phối hợp đã vượt qua nhiều khó khăn để đột nhập vào các tòa nhà cao tầng nơi các đối tượng hoạt động.

Sau hơn 4 giờ đồng hồ, toàn bộ 155 đối tượng đã bị bắt giữ, thu giữ nhiều tang vật bao gồm: 100 quyển hộ chiếu, 18.900 nhân dân tệ, 74 viên hồng phiến, hàng chục máy tính, gần 500 điện thoại với hàng nghìn sim điện thoại không chính chủ và các tài liệu liên quan.

Lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ hàng chục cuốn sổ ghi chép lại các kịch bản lừa đảo.
Lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ hàng chục cuốn sổ ghi chép lại các kịch bản lừa đảo. (Ảnh: Công an Hà Tĩnh)

Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, Đại tá Phạm Thanh Phương, khẳng định rằng đây là một chiến công đặc biệt xuất sắc trong cuộc đấu tranh chống lại tội phạm lừa đảo xuyên quốc gia. Thành công của chuyên án này không chỉ là thành quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng Việt Nam và Lào, mà còn góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội của cả hai nước.

Hiện nay, Công an tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án và kêu gọi những ai là nạn nhân của đường dây lừa đảo này nhanh chóng liên hệ và trình báo để được hỗ trợ.

Các tang vật khác thu giữ được trong vụ án.
Các tang vật khác thu giữ được trong vụ án. (Ảnh: Công an Hà Tĩnh)

Lê Quyết