Thông tư 05/2016/TT-BYT ngày 29/02/2016 của Bộ Y tế đã quy định, bác sỹ không được kê thực phẩm chức năng và mỹ phẩm vào đơn thuốc điều trị.
Một số bệnh nhân, sau khi khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, được bác sỹ kê đơn thuốc. Trên mỗi đơn thuốc bác sỹ ghi dòng chữ đến "Nhà thuốc số 2" trong bệnh viện để mua thuốc. Đặc biệt, trong đơn thuốc điều trị, người bệnh phát hiện, bác sỹ kê thêm cả sản phẩm thực phẩm chức năng.
Cụ thể, sau khi khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, đơn thuốc của một bệnh nhân được bác sỹ chẩn đoán là viêm niêm mạc dạ dày /HP(+), bác sỹ đã kê 6 loại thuốc điều trị, nhưng trong đó có “thuốc” Novaganic.
Loại Novaganic này được biết đến là thực phẩm chức năng, không có công dụng điều trị bệnh mà chỉ có công dụng hỗ trợ tăng cường chức năng gan, giải độc gan, bảo vệ tế bào gan...
Ngay sau khi thăm khám, người bệnh cầm đơn thuốc được bác sỹ hướng dẫn đến Nhà thuốc số 2 của bệnh viện để mua, người bệnh “choáng váng” khi hóa đơn tiền thuốc lên đến gần 4 triệu đồng. Bệnh nhân phàn nàn: “Tại sao cùng một đơn thuốc, loại thuốc nhưng tôi mua tại Nhà thuốc số 2 trong Bệnh viện theo hướng dẫn của bác sỹ, tôi đã phải mất thêm khoảng gần 400.000 đồng so với hóa đơn mua tại nhà thuốc bên ngoài, việc này đang gây thêm gánh nặng kinh tế cho gia đình tôi. Ngoài ra, trong đơn thuốc điều trị còn có cả thực phẩm chức năng có giá lên tới gần 800.000 đồng, đối với người lao động như chúng tôi thì số tiền này là rất lớn”.
Riêng một loại thuốc Taromentin 1000 mg (1,5 hộp = 21 viên, được nhập khẩu bởi Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Y tế Delta, cùng số lô SX 121221), nhưng tại nhà thuốc số 2 trong Bệnh viện bán với giá 438.165 đồng, và "cùng loại thuốc đó tôi mua tại một nhà thuốc ngoài bệnh viện giá chỉ 330.000 đồng. Như vậy, với chỉ một loại thuốc Taromentin 1000 mg nếu tôi mua đủ theo đơn của bác sỹ tại Nhà thuốc số 2 trong Bệnh viện thì tôi phải gánh thêm chi phí là hơn 216.000 đồng so với bên ngoài, chưa kể đến các mục thuốc khác", bệnh nhân phàn nàn.
Liên quan đến việc bác sỹ kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc điều trị, một bệnh nhân khác cho biết: “Thực phẩm chức năng chỉ là dạng giao thoa giữa thực phẩm chức năng và thuốc, chỉ có tác dụng hỗ trợ, tăng cường cho sức khỏe, hỗ trợ trong công tác điều trị. Việc lựa chọn sử dụng thực phẩm chức năng trong quá trình điều trị phải do người bệnh lựa chọn, bác sỹ chỉ có thế tư vấn cho người bệnh và tuyệt đối không được kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc điều trị, điều này sẽ làm thêm gánh nặng tài chính cho các bệnh nhân”.
Để làm rõ nội dung phản ánh của bệnh nhân liên quan đến sự việc trên, trao đổi với Thương hiệu & Công luận, ông Lê Văn Sỹ- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Việc bác sỹ kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc điều trị, cũng như kèm dòng chữ viết tay hướng dẫn bệnh nhân ra mua thuốc tại hiệu thuốc số 2 của Bệnh viện, là sai so với Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế, ngay sau khi nhận được phản ánh tôi đã chấn chỉnh”.
Khi được hỏi về có hay không lợi ích nhóm giữa bác sỹ và hiệu thuốc trong bệnh viện liên quan đến việc bác sỹ sau khi khám bệnh đã có hành vi kê thêm thực phẩm chức năng vào đơn thuốc, hướng dẫn bệnh nhân đến mua thuốc tại nhà thuốc của Bệnh viện, cũng như giá thuốc trong Bệnh viện cao hơn bên ngoài, ông Sỹ khẳng định: “Không có lợi ích nhóm gì ở đây, và tất cả hàng nhập vào bệnh viện theo Thông tư số 15/2019/TT-BYT phải được trúng thầu từ bất kỳ một cơ sở y tế nào và được tính thặng dư theo đúng quy định về đơn giá thuốc”.
“Trong Bệnh viện, nguồn nhập vào là phải đúng nơi phân phối. Về nhà thuốc thì Bệnh viện quản lý khá là chặt, có những cái mình không thể nói là bao quát được. Nhưng theo đơn thuốc, cũng như giá một số loại thuốc có sự chênh lệch giữa nhà thuốc Bệnh viện và nhà thuốc bên ngoài như báo chí đã cung cấp, tôi sẽ cho kiểm tra lại và thông tin lại sau”, ông Sỹ cho biết thêm.
Lê Nam