THCL Việc vi phạm lấn chiếm, tự xây dựng trên phần đất chung tại số 6 Lý Thường Kiệt (Hà Nội) đã diễn ra nhiều năm, nhưng không được giải quyết dứt điểm gây khiếu kiện kéo dài.

Hàng loạt vi phạm

Theo quan sát của phóng viên, diện tích sân chung hiện đã lấn chiếm là nơi nấu nướng, sinh hoạt của một số hộ dân bên trong. Phía bên phải lối vào đã bị lấn chiếm làm tường rào với diện tích khoảng 30 m2. Toàn bộ phần cầu thang đã được bịt kín làm nhà vệ sinh cho quán bán cơm. Phía ngoài đã được dựng khung sắt, mái tôn, quây vách tôn trên diện tích chung làm nơi kinh doanh buôn bán.

Biệt thự cổ số 6 Lý Thường Kiệt (Hà Nội): Vi phạm trật tự xây dựng - Hình 1

Việc vi phạm tự lấn chiếm, tự xây dựng trên phần đất chung đã diễn ra nhiều năm, nhưng không được giải quyết dứt điểm. Cụ thể, hộ ông Nguyễn Hồng Phong (đã chuyển nhượng cho ông Lê Hồng Thái), năm 1991, Sở Xây dựng có Công văn số 767 về việc xử lý công trình vi phạm sai phép. Công văn cũng nêu rõ, gia đình ông Phong đã xây dựng sai nội dung trong giấy phép và bản vẽ đã được phê duyệt như làm ban công tầng 2 phía ngõ đi chung, mở rộng mặt bằng tầng 2 phía mặt sau nhà, tự ý mở thêm một cổng phía hàng rào…

Điều kỳ lạ là vi phạm chưa được xử lý, nhưng phần diện tích nhà ông Phong vẫn được cấp sổ đỏ? Chưa dừng lại ở đó, sau khi chuyển nhượng cho ông Lê Hồng Thái, ông Thái lại tiếp tục lấn chiếm sân chung, lối đi chung và nhà vệ sinh chung gây bất bình trong dư luận.

Hộ ông Nguyễn Hồng Quang (đã chuyển nhượng cho bà Lê Vân Anh), trong qua trình xây dựng đã thi công nhiều hạng mục không có trong giấy phép. Mặc dù, UBND quận Hoàn Kiếm đã có Quyết định số 847 ngày 6/10/2008 thi hành cưỡng chế, phá dỡ hạng mục công trình vi phạm tại số 6 Lý Thường Kiệt, song, đến nay vẫn chưa xử lý. Đến năm 2013, hộ bà Lê Vân Anh lại tiếp tục lấn chiếm xây bịt cửa cửa đi tầng 1, hạ cốt nền sân chung… Trong khi vi phạm chưa được xử lý, bà Lê Vân Anh tiếp tục xây dựng tầng 3 lợp mái tôn quây kín xung quanh.

Tại đây, hộ bà Ngô Thị Lan cũng lấn chiếm cầu rửa chung, xây gạch đổ bê tông, lắp cửa nhôm kính để sử dụng riêng. Tại Thông báo số 471 ngày 14/11/2012 của UBND phường Phan Chu Trinh về kết quả kiểm tra các vi phạm về trật tự xây dựng và lấn chiếm đất chung tại số 6 Lý Thường Kiệt, cũng đã chỉ ra nhiều vi phạm, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được xử lý và ngày càng lấn chiếm nghiêm trọng hơn.

Có sự "bảo kê"?

Phố Lý thường Kiệt là tuyến phố chính của quận Hoàn Kiếm. Địa chỉ số 6 Lý Thường Kiệt là ngôi biệt thự cổ, gồm 07 hộ dân, trong đó có 05 hộ dân đã ký hợp đồng thuê nhà của Nhà nước.

Quá trình sử dụng, các hộ đã tự cơi nới, lấn chiếm diện tích chung để sử dụng mục đích riêng. Trong khi các cấp, các ngành của Hà Nội đang triển khai tích cực xử lý lấn chiếm, xây dựng không phép, thì tại số 6 Lý Thường Kiệt, nhiều năm qua, tình trạng xây dựng trái phép đã diễn ra liên tục; những hàng rào tôn, lưới B40 quây kín cả lối đi khiến bộ mặt đô thị nhếch nhác. Chính quyền phường Phan Chu Trinh đã kiểm tra, nhưng nhiều năm không giải quyết dẫn tới bức xúc, khiếu kiện kéo dài.

Biệt thự cổ số 6 Lý Thường Kiệt (Hà Nội): Vi phạm trật tự xây dựng - Hình 2

Sai phạm không được xử lý khiến khiếu kiện kéo dài

Ngoài địa chỉ số 6 Lý Thường Kiệt vi phạm về trật tự xây dựng, thì số 8 Lý Thường Kiệt cũng vi phạm không kém. Điều đó đặt ra câu hỏi về năng lực quản lý của chính quyền phường Phan Chu Trinh. Dư luận nghi ngờ: Liệu có sự tiếp tay - "bảo kê" dung túng cho những sai phạm trên?

Đề nghị các cấp chính quyền sớm vào cuộc làm rõ và có biện pháp xử lý dứt điểm, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, trả lại không gian, cảnh quan và lối đi chung cho những hộ dân nơi đây.

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Minh Châu