Bình Dương mở cửa hoạt động sản xuất, kinh doanh

Theo Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, trở về trạng thái "bình thường mới" toàn tỉnh Bình Dương có 85% doanh nghiệp trong khu công nghiệp tổ chức lại hoạt động sản xuất với các phương án “1 cung đường, 2 điểm đến”, “3 tại chỗ”, “3 xanh”.

Doanh nghiệp ổn định sản xuất nên rất nhiều công nhân đã trở về nhà máy để tiếp tục công việc. Theo đó, tỉnh cho phép doanh nghiệp tự tổ chức test nhanh Covid-19 và cấp giấy xác nhận âm tính cho công nhân lưu thông. 

Bình Dương sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho công nhân khó khăn
Các hoạt động sản xuất, kinh doanh được hoạt động khi đảm bảo an toàn phòng dịch (Ảnh: KT)

Để tạo điều kiện cho công nhân đi làm trở lại, Bình Dương đã gỡ bỏ các chốt kiểm soát dịch nội tỉnh. Tỉnh Bình Dương đã cho phép lưu thông liên huyện giữa 4 huyện vùng xanh là Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên và Bàu Bàng. Thành phố Thủ Dầu Một và thị xã Bến Cát người dân được lưu thông liên xã phường. Riêng thành phố Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên thì an toàn dịch bệnh tới đâu được nới lỏng lưu thông đến đó.

Về việc cho phép người lao động lưu thông bằng xe máy đi làm từ tỉnh Bình Dương đến TP. HCM, Đồng Nai và ngược lại, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết sẽ sớm có quy định cụ thể. Về cơ bản, những ai đã được tiêm 1 mũi vaccine phòng Covid-19 sau 14 ngày, có khai báo y tế rõ ràng, có giấy xét nghiệm âm tính thì sẽ được lưu thông qua các tỉnh giáp ranh.

Bổ sung chính sách hỗ trợ người lao động

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng ra lời kêu gọi người dân Bình Dương và lao động tại các tỉnh thành đang làm việc tại Bình Dương bình tĩnh, đoàn kết, sát cánh cùng địa phương từng bước phục hồi, phát triển kinh tế.

Đồng thời khẳng định, dịch bệnh đã được kiểm soát và doanh nghiệp ổn định sản xuất, cho nên công nhân sẽ không phải lo không có việc làm, không có thu nhập. Tỉnh Bình Dương mong muốn vì lợi ích chung, an toàn chung, người dân tiếp tục chia sẻ cùng vượt qua khó khăn.

Các hoạt động sản xuất kinh doanh được hoạt động khi đảm bảo an toàn phòng dịch
Bình Dương sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho công nhân khó khăn (Ảnh: KT)

“Mặc dù tỉnh Bình Dương đã trở về trạng thái bình thường nhưng lây nhiễm ngoài cộng đồng còn cao, chính vì vậy nguy cơ lây lan khi người dân về các tỉnh sẽ cao. Mặt khác, ở các địa phương năng lực cách ly có giới hạn. Sau khi tình hình dịch ổn định nếu người dân có nhu cầu về quê, Bình Dương sẽ tổ chức đưa đón bà con về quê một cách an toàn”, ông Minh cho biết.

Theo ông Minh, Bình Dương là tỉnh công nghiệp, đóng góp của ngành công nghiệp chiếm trên 70% GDP của tỉnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 50.000 doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động. Thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, toàn tỉnh chỉ còn khoảng 3.500 doanh nghiệp thực hiện theo phương án "3 tại chỗ," “1 cung đường, 2 điểm đến” với khoảng 250.000 người, trên 750.000 người phải ngừng việc.

Để chăm lo người lao động, tỉnh đã tích cực triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các chính sách theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng một số chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh, như: Hỗ trợ tiền nhà trọ (300.000 đồng/người) và lương thực thực phẩm cho công nhân ở trọ (500.000 đồng/người); tập trung triển khai các giải pháp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh thông qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết 105 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19...

Ông Võ Văn Minh nhấn mạnh:

"UBND tỉnh đã yêu cầu Sở LĐ-TB&XH tham mưu chính sách bổ sung để hỗ trợ các nhóm đối tượng thật sự khó khăn, cần trợ giúp, đáp ứng yêu cầu ổn định, phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với đảm bảo công tác phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới.

Tỉnh Bình Dương cũng tiếp tục huy động nguồn lực của cộng đồng, doanh nghiệp, người dân hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế, dễ tổn thương. Thực hiện các mô hình tình nguyện, trợ giúp xã hội trong cộng đồng dân cư...".

Phong Vân