Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch là phát triển kinh tế tập thể một cách bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và phát triển kinh tế tập thể phải gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phát triển đa dạng các loại hình Hợp tác xã, xây dựng mô hình Hợp tác xã kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có sức cạnh tranh; chú trọng xây dựng Hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và văn hóa ở địa phương; thu hút nhiều nông dân, hộ gia đình tham gia vào kinh tế tập thể, Hợp tác xã.
Phấn đấu đưa kinh tế tập thể trở thành một trong những thành phần kinh tế mang lại lợi ích cho người tham gia, đặc biệt là nông dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Cụ thể, trong năm 2025, tỉnh Bình Thuận sẽ thành lập mới thêm 10 Hợp tác xã; doanh thu bình quân của Hợp tác xã là 2.250 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của người lao động trong Hợp tác xã là 6 triệu đồng/tháng; tỷ lệ cán bộ Hợp tác xã có trình độ trung cấp trở lên đạt 54%; tỷ lệ Hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 12% tổng số Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp.
Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã trong năm 2025, UBND tỉnh đã đề ra rất nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào các giải pháp để hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2023;
Tuyên truyền, tập huấn Luật Hợp tác xã và nâng cao nguồn nhân lực; triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển Hợp tác xã;
Nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tết tập thể, Hợp tác xã; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể; huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể.
Thuận Yến (t/h)