Kỳ họp thứ 7 khóa XV sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận để thông qua dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và Công cụ hỗ trợ (sửa đổi), thay thế luật hiện hành đã có hiệu lực từ năm 2017.

Trong dự thảo sửa đổi, Bộ Công an đã sửa đổi, bổ sung 55 điều. Một trong những điểm mới trong dự thảo Luật đó là quy định về bổ sung quy định về việc tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ.

Một nữ xạ thủ môn bắn súng của đội tuyển Việt Nam.
Một nữ xạ thủ môn bắn súng của đội tuyển Việt Nam.

Theo Bộ Công an, tại Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và Công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định nghiêm cấm việc trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Qua 5 năm thi hành Luật, thực tế nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân của các nước có nhu cầu cho, tặng, viện trợ một số loại vũ khí (súng cầm tay, vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ), công cụ hỗ trợ cho Việt Nam. Việc cho, tặng này nhằm phục vụ cho nghiên cứu, sản xuất hoặc trang bị cho các cá nhân, tổ chức để sử dụng thi hành công vụ, luyện tập thể thao, thi đấu thể thao hoặc để trưng bày triển lãm.

Để tận dụng nguồn lực nước ngoài hỗ trợ Việt Nam, theo Bộ Công an cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định này trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và Công cụ hỗ trợ (sửa đổi) cho phù hợp.

Điều 16 dự thảo Luật đã có nêu quy định về đối tượng, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận và quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ.

Theo đó, Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có chức năng nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc cơ quan, tổ chức được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ được phép tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ.

Việc tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm các điều kiện như:

Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Vũ khí, công cụ hỗ trợ tiếp nhận phải bảo đảm phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Chỉ được tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ để nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, trang bị, sử dụng hoặc trưng bày, triển lãm theo quy định.

Vũ khí, công cụ hỗ trợ tiếp nhận phải rõ nguồn gốc, xuất xứ và bảo đảm phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ quyết định số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không nằm trong phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

theo VOV.VN