Gần 3 năm mới hết nợ “chuyên viên chính”
Theo nội dung của văn bản số 2266 nêu trên, trước khi được bổ nhiệm giữ chức Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, ông Khánh là công chức, Phó Hiệu trưởng Đại học Vinh.
Bộ GD&ĐT khẳng định, ngày 01/12/2016, ông Trần Tú Khánh khi được bổ nhiệm Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính chưa phải là chuyên viên chính.
Bộ GD&ĐT còn cho biết, đến ngày 24/11/2018, ông Trần Tú Khánh mới thi và trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch lên chuyên viên chính và được bổ nhiệm ngạch chuyên viên chính từ ngày 19/4/2019.
Như vậy, kể từ ngày được bổ nhiệm vào chức vụ Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (từ tháng 12/2016 cho đến tháng 4/2019), sau gần 3 năm ông Trần Tú Khánh mới chính thức trở thành “Chuyên viên chính”.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có hướng dẫn xử lý đối với kết quả tự kiểm tra, rà soát thực hiện công tác cán bộ. Theo đó, những trường hợp bổ nhiệm đến ngày 28/12/2017 chưa đủ tiêu chuẩn, nhưng có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có năng lực, phẩm chất, đạo đức tốt, được tập thể cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị tín nhiệm.
Mặt khác, từ năm 2015 đến năm 2018 được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, thì không thu hồi quyết định và cho phép bổ sung hoàn thiện tiêu chuẩn trong năm 2019.
Do vậy, Bộ GD&ĐT cho rằng, đến nay, ông Trần Tú Khánh đã hoàn thiện đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện nêu trên.
Giải thích không thuyết phục
Bộ GD&ĐT giải thích việc bổ nhiệm ông Trần Tú Khánh chưa phải là “chuyên viên chính” vào vị trí Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính và 3 năm sau mới hoàn thành nợ tiêu chuẩn. Theo dư luận là thiếu thuyết phục và không đúng quy định.
Trong khi Quyết định số 1701/QĐ-BNV ban hành năm 2016 của Bộ Nội vụ về việc phê duyệt danh mục, vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức của Bộ GD&ĐT- chức Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính phải là "Chuyên viên chính".
Dư luận cho rằng, Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ, thay mặt Chính phủ ban hành các Quyết định về công tác cán bộ cho tất cả các Bộ ngành, địa phương. Bộ GD&ĐT đã thực hiện việc điều động, bổ nhiệm ông Trần Tú Khánh vào vị trí Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính không tuân theo quyết định của Bộ Nội vụ.
Theo Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện của Quốc hội, trường hợp này là một trong những kiểu "nợ " tiêu chuẩn. Vì vậy cần kiểm tra, xác minh vì sao mà người ta được nợ tiêu chuẩn để bổ nhiệm? Nếu không phải là xuất chúng thì phải có sự khuất tất. Từ món nợ này họ đã được hưởng "lãi " lần thứ nhất, lại có điều kiện "lãi " tiếp về quy hoạch, rồi bổ nhiệm chức vụ cao hơn.... như vậy " lãi mẹ đẻ lãi con".
Không thể giải thích kiểu “nợ” tiêu chuẩn mà đến gần 3 năm sau mới cho hoàn thiện là “rất bất thường” do đó cần phải thu hồi lại quyết định bổ nhiệm. Nếu Bộ Nội vụ không vào cuộc làm rõ việc này, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xấu kéo theo, đặc biệt là không thể chống lại căn bệnh “nhờn luật”, coi thường luật pháp – đại biểu Nhưỡng nhấn mạnh.
Một năm tăng 2 chức, liệu có “thần tốc”
Như báo chí thông tin, tháng 12/2016, Bộ GD&ĐT ký quyết định bổ nhiệm ông Trần Tú Khánh (SN 1978, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh) vào vị trí Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, rồi tiếp tục được quy hoạch nguồn vào vị trí Thứ trưởng của Bộ này khi chưa phải “chuyên viên chính” là việc làm sai nguyên tắc, trái với quy định của nhà nước về công tác bổ nhiệm cán bộ, gây ra nhiều hoài nghi, bức xúc.
Để khắc phục sự cố, ngày 24/11/2018, ông Trần Tú Khánh mới đi thi tuyển ngạch Chuyên viên chính tại một Trường Đại học Hà Nội và đến mãi tháng 4/2019 mới chính thức nâng ngạch chuyên viên chính.
Con đường thăng tiến lên chức Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính và được quy hoạch lên Thứ trưởng của ông Khánh khi chưa phải “chuyên viên chính” còn khiến cho dư luận hoài nghi có hay không chuyện “bổ nhiệm thần tốc”?.
Theo tài liệu Pv thu thập được, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ kinh tế (ngày 20/4/2015), với đề tài: “Chính sách phát triển kinh tế trang trại theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.
Đúng 8 tháng sau, ngày 17/11/2015, ông Trần Tú Khánh từ vị trí Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính được bổ nhiệm giữ chức Phó hiệu trưởng Đại học Vinh, (nhiệm kỳ 2015-2020).
Và tròn 1 năm sau, ông Khánh tiếp tục được Bộ GD&ĐT điều động, bổ nhiệm thẳng lên chức Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính và quy hoạch vào vị trí Thứ trưởng khi chưa phải là “chuyên viên chính”.
Như vậy, trong vòng 1 năm tròn, ông Trần Tú Khánh đã được quan tâm, cất nhắc lên 2 chức vụ - đó là Phó hiệu Trưởng Trường Đại học Vinh và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính.
Dư luận cho rằng, việc bổ nhiệm này là “rất bất thường”. Bất thường từ thiếu nợ tiêu chuẩn “chuyên viên chính” ; bất thường một năm tăng đến 2 chức vụ và còn được quy hoạch lên Thứ trưởng… Do đó, rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ, có hay không con đường quan lộ của ông Trần Tú Khánh là “thần tốc”?
Thời gian vừa qua, có rất nhiều vụ việc liên quan đến bổ nhiệm đã bị phát hiện xử lý nghiêm, như vụ ông Ngô Văn Tuấn, khi đương chức Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa nâng đỡ, bổ nhiệm không trong sáng với bà Trần Vũ Quỳnh Anh, để rồi sau đó bị mất chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; vụ ông Lê Phước Hoài Bảo (Quảng Nam) bị mất chức Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, bị xóa tên khỏi danh sách Đảng viên…
Nhìn từ các vụ việc bị xử lý nghiêm nêu trên, các cơ quan chức năng cần phải khách quan và công bằng hơn trong vụ điều động, bổ nhiệm ông Trần Tú Khánh.
Trúc Mai