Ảnh quochoi.vn
Ảnh quochoi.vn

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, thời gian qua, việc triển khai các tuyến cao tốc thực hiện theo kiểu: Vừa chạy vừa xếp hàng. Trong khi đó, nếu khai thác tốt các trạm dừng nghỉ sẽ mang lại hiệu quả các trạm dừng nghỉ. Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn chọn các nhà đầu tư trong thực hiện xã hội hóa. Trước đây, chưa có quy định cụ thể về quy mô của các trạm dừng nghỉ, do vậy Bộ đã quyết liệt trong xây dựng hành lang pháp lý, quy hoạch và triển khai đấu thầu, mời gọi nhà đầu tư.

Hiện nay, đã tiến hành đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư, 9 trạm dừng nghỉ thuộc dự án thành phần thuộc giai đoạn 1 đang trong quá trình triển khai. Còn với giai đoạn 2 của dự án sẽ được tiến hành song song với quá trình hoàn thiện tuyến đường.

Về ý kiến đại biểu liên quan đến chất lượng các tuyến cao tốc, Bộ trưởng khẳng định, có nhưng chỉ xảy ra ở một, hai vị trí, có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Bộ Giao thông luôn đặt chất lượng lên hàng đầu và theo chuẩn quốc tế. Bộ đã phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu, trong đó có khó khăn về tài chính. Vấn đề thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước cần được giải quyết nhanh nhất. Bộ chịu trách nhiệm cao nhất trước Quốc hội và Chính phủ về chất lượng các công trình giao thông.

Ảnh internet.
Bộ Giao thông Vận tải đang quyết liệt triển khai tháo gỡ khó khăn của 8 dự án BOT. Ảnh internet.

Đối với phần chất vấn của đại biểu Trịnh Xuân An, Bộ trưởng khẳng định, thực hiện Nghị quyết 62 của Quốc hội, Bộ đã quyết liệt triển khai tháo gỡ khó khăn của 8 dự án BOT, nhiệm vụ này đã được triển khai từ lâu nhưng có nhiều vấn đề phức tạp trong việc tháo gỡ cho các dự án này.

Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và ban hành kết luận, yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ giải trình một số vấn đề trong đó, ngoài 8 dự án trên, các địa phương có gặp khó, cần làm rõ để có giải pháp tháo gỡ; làm rõ nguồn vốn, các vấn đề liên quan đến pháp lý. Bởi 8 dự án đều triển khai trước khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực, hiện nay Bộ Giao thông Vận tải đã tích cực triển khai các bước tháo gỡ khó khăn trong đó, nhà đầu tư cần hy sinh lợi nhuận, ngân hàng phải hy sinh lãi suất để bảo tồn vốn… 

Bộ Giao thông đã tổng hợp và giải trình cụ thể, sẽ báo cáo Chính phủ trước ngày 15/11, hy vọng trong thời gian sớm nhất, Chính phủ sẽ trình Quốc hội tháo gỡ 8 dự án BOT.

PV (ghi)