Bộ Tài chính muốn được bổ sung chức năng điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan đến hành vi trốn thuế (gian lận thuế; in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ) trong Luật Quản lý thuế sửa đổi như cơ quan thuế của hơn 80 quốc gia trên thế giới đã thực hiện.

Trước đó, vào năm 2012, bộ này đã từng đề xuất được trao thêm chức năng điều tra, khởi tố song chưa được Quốc hội chấp thuận vì lo ngại việc có quá nhiều cơ quan có quyền điều tra, khởi tố sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Bộ Tài chính muốn được điều tra hành vi trốn thuế - Hình 1

Bộ Tài chính muốn được điều tra hành vi trốn thuế

Hiện tại, cơ quan thuế chỉ được điều tra khi phát hiện ra hành vi trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên hoặc pháp nhân đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế nhiều lần, bị kết án tội trốn thuế, nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Khi phát hiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về thuế đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, thì cơ quan thuế có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật tổ chức điều tra hình sự.

Chế tài xử phạt tội phạm gian lận thuế (được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015), trốn thuế có thể nói là khá nghiêm, nhưng tác dụng răn đe chưa lớn nếu để kéo dài tình trạng doanh nghiệp cứ gian lận, cơ quan thuế cứ truy thu, xử phạt; doanh nghiệp chấp hành kết luận thanh tra, kiểm tra và lại tiếp tục gian lận.

Do đó, Bộ Tài chính cho rằng cần xem xét, nghiên cứu trao thêm quyền cho cơ quan thuế nhằm góp phần ngăn chặn kịp thời, tăng tính răn đe và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, trốn thuế.

Ngọc Khánh