Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm việc với tỉnh BR-VT
Sau đó, đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh BR-VT và chỉ đạo một số công việc trọng tâm.
Ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định:
“Chính quyền địa phương đã lên phương án và chuẩn bị mọi nguồn lực sẵn có tại chỗ, ứng cứu kịp thời trong mọi tình huống trước, trong và sau bão. Lập kế hoạch ứng cứu khi bão tan, xử lý về ô nhiễm môi trường, bảo vệ tài sản của người dân… với phương châm “tập trung quyết liệt”, tính mạng con người được đặt lên hàng đầu. Tại huyện Côn Đảo, tỉnh cũng chỉ đạo huyện chuẩn bị những phương án đối phó các vấn đề xảy ra”.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết:
“Ngay khi nhận định cơn bão có khả năng ảnh hưởng tới tỉnh BR-VT, lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành 07 văn bản chỉ đạo triển khai ứng phó với bão số 9, chỉ đạo các sở ngành chức năng triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với các diễn biến của cơn bão. Từ 20h ngày 22/11 tỉnh đã cấm biển không cho tàu ra khơi. Trước 12h, ngày 24/11, bằng các biện pháp không để người ở trên nhà lồng nuôi cá tại các sông rạch.
Về công tác chằng chống nhà cửa, các địa phương đã thực hiện vận động người dân một cách quyết liệt, không chủ quan. Đến trưa ngày 24/11, các địa phương đã cơ bản thực hiện chỉ đạo của Tỉnh uỷ về thực hiện các phương án phòng chống bão; ngành giáo dục đã cho học sinh nghỉ học; về thu hoạch lúa, các khu vực úng trũng đã cơ bản hoàn thành xong.
Đối các các hồ chứa nước có nguy cơ bị ảnh hưởng, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi Cục Thuỷ lợi thực hiện giám sát 24/24 để xả lũ kịp thời. Ngành y tế túc trực tại những nơi tránh trú bão xử lý kịp thời các ca bệnh. Trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh thông báo cho các doanh nghiệp bố trí sản xuất phù hợp khi có bão xảy ra”.
Tàu thuyền neo đậu tại xã Phước Tỉnh
Tính đến 13h 24/11, tổng số tàu cá của tỉnh đã vào bờ tránh trú bão là 4.841 tàu, với 24.549 ngư dân; 4.668 tàu neo đậu tại các cảng bến của tỉnh với 23.232 ngư dân, còn lại neo tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và Bến Tre với 173 tàu với 1.317 ngư dân.
Hiện tại, vẫn còn 1.036 tàu cá với 8.029 ngư dân đang hoạt động trên biển, chủ yếu tại vùng biển Cà Mau, Kiên Giang, tại vùng biển giáp Indonesia, Malaysia, vùng biển gần Côn Đảo; hiện có 999 tàu với 5.898 ngư dân ở tỉnh khác neo đậu tại các cảng trên địa bàn tỉnh BR-VT.
Các địa phương đã rà soát các toàn bộ các khu vực xung yếu, vùng có nguy cơ cao, dự kiến di dời 97.232 người /21.451 hộ, trong đó sơ tán tại chỗ 39.845 người/9655 hộ, sơ tán tập trung 25.272 người/5.074 hộ.
Tại xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu), tính đến trưa 24/11, các địa chỉ tránh trú bão an toàn đã bỗ trí sẵn sàng cho người dân. Đối với các hộ nuôi trồng thủy sản trên lồng bè, hiện toàn xã có 367 hộ làm nghề với khoảng 500 lao động thường xuyên trên bè. Địa phương đã nhắc nhở, vận động 50 người dân lên bờ trước 11 giờ trưa cùng ngày. Tại các nhà hàng bè nổi, chính quyền địa phương đã phát thông báo nghiêm cấm tiếp đón khách.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, địa phương ven biển như huyện Đất Đỏ, toàn huyện có 3.647 người đang sống trong nhà tạm, nhà không bảo đảm an toàn. Từ ngày 23/11, lãnh đạo huyện đã cử các cơ quan chức năng xuống các địa bàn trọng điểm kiểm tra công tác, vận động người dân chằng chống nhà cửa và tổ chức sơ tán di dời dân. Tính đến trưa ngày 24/11, huyện Đất Đỏ đã sơ tán, di dời được 2.255 người đến khu vực an toàn.
Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, ông Trần Quang Hoài nhận định:
“Dự kiến, 7h sáng ngày 25/11/2018, bão số 9 sẽ đổ bộ vào bờ. Tỉnh BR-VT cần lưu ý sự an toàn của các hồ chứa nước xung yếu. Việc thông tin về tình hình mưa lũ cần nhanh chóng, kịp thời để cơ quan chức năng và nhân dân biết, sẵn sàng ứng phó và di dời người dân đến nơi an toàn, tránh tình trạng ngập lụt khi mưa lớn xảy ra”.
Để thực hiên tốt công tác phòng chống bão số 9, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo:
“Đêm nay, rạng sáng ngày mai bão số 9 sẽ đổ bộ vào bờ. Tỉnh BR-VT là một trong các điểm chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 9. Chúng ta phải đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Bão số 9 đổ bộ vào thời điểm triều cường ở mức cao nhất nên mọi công tác ứng phó cần phải tập trung cao độ. Khả năng mưa lớn xảy ra do hội tụ của gió mùa.
Với tính chất của cơn bão do đổ bộ vào ban đêm nên công tác di dời dân là việc làm cần kíp nhất, không chủ quan vì cơn bão có sự kết hợp với gió mùa, tạo dông lốc, diễn biến bất thường; chủ động tuyên truyền ngư dân lên bờ, không ở lại tàu thuyền, kiểm tra không để người dân ở lại trên lồng bè, kiểm tra tuyên truyền không để khách du lịch ra bờ biển khi bão xảy ra; tổng kiểm tra toàn bộ hồ chứa nước có nguy cơ; duy trì ban chỉ đạo thường trực 24/24.
Các lực lượng xung kích, các lực lượng quân đội sẵn sàng ứng cứu hỗ trợ khi cần thiết. Trong phòng chống thiên tai, chúng ta phải cẩn thận, chủ quan một chút sẽ có nguy hiểm xảy ra, hậu quả khôn lường”.
Ninh văn Hồng