BR-VT: Đóng cửa hệ thống chợ, siêu thị trước 12 giờ ngày 24/11, phòng tránh bão số 9 (Usagi) - Hình 1

11h 30 ngày 24/11/2018, chợ Phước Nguyên đã tạm đóng cửa

BR-VT: Đóng cửa hệ thống chợ, siêu thị trước 12 giờ ngày 24/11, phòng tránh bão số 9 (Usagi) - Hình 2

BQL Trung tâm Thương mại Bà Rịa thực hiện ngưng họp chợ theo chỉ đạo của tỉnh từ 11 giờ trưa 24/11

Theo đó, tại Trung tâm Thương mại Bà Rịa, đại diện Ban Quản lý (BQL) chợ đã thông báo đến các tiểu thương tại chợ chủ động chằng chống quầy sạp, thu dọn hàng hóa. Đồng thời, bố trí lực lượng trực tại chợ, chuẩn bị phương tiện chủ động ứng cứu khi bão đổ bộ vào đất liền.

Tại chợ Phước Nguyên, thành phố Bà Rịa, ông Hà Đăng Lành, Phó Ban Quản lý chợ cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh BR-VT, Ban Quản lý chợ đã thông báo cho bà con tiểu thương khẩn trương sắp xếp, thu dọn hàng hóa. 11h 30 ngày 24/11/2018, chợ Phước Nguyên đã tạm đóng cửa, sớm hơn quy định 30 phút. Ban quản lý chợ chỉ đạo tổ bảo vệ, nhân viên vệ sinh phân công trực 24/24, bảo vệ hàng hoá cho tiểu thương, đồng thời tiến hành vệ sinh khuôn viên chợ”.

BR-VT: Đóng cửa hệ thống chợ, siêu thị trước 12 giờ ngày 24/11, phòng tránh bão số 9 (Usagi) - Hình 3

Bà con tiểu thương thu dọn hàng hoá tại nhà lồng chợ Long Điền

Tại chợ Long Điền, các tiểu thương cũng chấp hành thông báo của Ban quản lý chợ, tất bật thu dọn hàng hoá và đóng cửa tiệm buôn bán theo quy định.

Còn tại chợ Vũng Tàu,  từ chiều ngày 23 và sáng ngày 24/11, toàn bộ cán bộ, nhân viên BQL chợ Vũng Tàu trực 24/24 tại chợ để chủ động ứng phó bão số 9, trang bị các phương tiện, hệ thống điện, bố trí các máy bơm để tiêu thoát nước trong khu vực chợ kịp thời. Trước 12 giờ trưa 24/11, BQL hoàn thành công tác bảo đảm an toàn, phòng chống thấm dột nhà lồng và ngưng họp chợ từ 12 giờ theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Còn tại hệ thống siêu thị Co.op Mart Bà Rịa và Vũng Tàu, công tác phòng chống bão cũng được các đơn vị khẩn trương thực hiện. Đã tiến hành tháo gỡ các vật dụng không bảo đảm an toàn, dễ bay khi có dông lốc xung quanh siêu thị; chằng chống mái tôn các khu vực xung yếu; chèn các khe hở tại các cửa kính của siêu thị;  chủ động kiểm đếm hàng hóa để bảo đảm an toàn hàng hoá, an ninh trật tự.

Để ứng phó kịp thời với bão số 9, ông Nguyễn Văn Trình - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức di dời dân ở những nơi xung yếu và kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè; sẵn sàng cưỡng chế nếu các hộ dân không chấp hành; bố trí sắp xếp cho tàu bè vào nơi neo đậu an toàn.

Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường kêu gọi tàu bè vào bờ hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; tính toán lượng nước từ thượng nguồn đổ về các hồ chứa trên địa bàn cũng như kiểm tra an toàn các hồ, đập; thông báo và kiểm tra các hộ dân chằng chống nhà cửa; tổ chức chặt tỉa cây; đảm bảo lưu thông liên lạc, an toàn lưới điện; nhắc nhở các cơ sở du lịch, khách sạn đảm bảo an toàn cho du khách…

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, 16 giờ chiều nay (24-11), tâm bão số 9 (Usagi) nằm ngay trên vùng biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bà Rịa-Vũng Tàu. 

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100 km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 220 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 80 km.

Bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 10-15 km. Khi đổ bộ vào đất liền các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ, bão có cường độ mạnh cấp 7-8, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ chiều mai (25-11), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8.

Áp thấp nhiệt đới sau đó di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).

Ninh Văn Hồng