Bộ Y tế mạnh tay chấn chỉnh quảng cáo mỹ phẩm “lố”
Để bảo vệ người tiêu dùng khỏi những quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu lầm, Bộ Y tế đang dự thảo một nghị định mới, thay thế Nghị định 93/2016/NĐ-CP, với nhiều quy định chặt chẽ hơn về quảng cáo. Đáng chú ý, hàng loạt từ ngữ "nổ" như "trị mụn", "giảm béo", "100% tự nhiên" có nguy cơ bị "khai tử" khỏi các quảng cáo mỹ phẩm.
Theo dự thảo nghị định đang được lấy ý kiến rộng rãi, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm sẽ không còn phải trải qua thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo với cơ quan quản lý. Tuy nhiên, đi kèm với sự "cởi trói" này là trách nhiệm pháp lý hoàn toàn nếu quảng cáo sai sự thật hoặc vi phạm các quy định. Nội dung quảng cáo bắt buộc phải phản ánh đúng bản chất và công dụng thực tế đã được công bố của sản phẩm, tuyệt đối không được khiến người tiêu dùng lầm tưởng mỹ phẩm là thuốc chữa bệnh hoặc có tác dụng điều trị.

Điểm đáng chú ý trong dự thảo lần này là danh sách các hành vi và từ ngữ bị "cấm cửa" trong quảng cáo mỹ phẩm. Cụ thể, việc sử dụng hình ảnh, tên tuổi, thư từ, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế hoặc các cơ sở y tế để quảng bá mỹ phẩm sẽ không còn được phép. Tương tự, những ngôn từ dễ gây nhầm lẫn về khả năng điều trị bệnh như "chữa khỏi", "chữa viêm da", "diệt virus", "giảm ngay", "xóa sẹo" cũng sẽ bị loại bỏ.
Không chỉ vậy, dự thảo còn nhắm đến việc loại bỏ những cụm từ mang tính phóng đại, khẳng định tuyệt đối và dễ gây hiểu lầm như "trắng da thần tốc", "trị nám vĩnh viễn trong 7 ngày", "100% tự nhiên", "duy nhất", "tốt nhất", "bảo đảm 100%".
Ngoài ra, các từ ngữ liên quan đến công dụng chưa được phép công bố đối với mỹ phẩm như "giảm béo", "kích thích mọc tóc", "ngăn ngừa ra mồ hôi", "xăm vĩnh viễn" cũng nằm trong danh sách "đen" này.
Dự thảo cũng quy định rõ, quảng cáo mỹ phẩm không được phép sử dụng hình ảnh các loài động, thực vật nằm trong danh mục loài nguy cấp, quý hiếm. Tính năng của sản phẩm quảng cáo phải hoàn toàn phù hợp với nội dung đã được phép công bố theo phụ lục của Nghị định.
Về vấn đề an toàn, dự thảo nhấn mạnh trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đưa mỹ phẩm ra thị trường phải đảm bảo sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng khi sử dụng đúng hướng dẫn. Sản phẩm phải đáp ứng các giới hạn về kim loại nặng, vi sinh vật và tạp chất theo tiêu chuẩn của ASEAN. Việc đánh giá tính an toàn cũng phải tuân thủ các hướng dẫn từ Hội đồng Mỹ phẩm ASEAN (ACC).
Đáng chú ý, dự thảo còn bổ sung các quy định chặt chẽ về việc cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm. Theo đó, nhà máy sản xuất phải có đội ngũ nhân sự được đào tạo chuyên ngành phù hợp và đạt tiêu chuẩn CGMP, với ít nhất 24 tháng kinh nghiệm. Người phụ trách sản xuất và kiểm tra chất lượng phải làm việc toàn thời gian và hoạt động độc lập với nhau. Nhân viên sản xuất cũng cần có trình độ chuyên môn và được đào tạo bài bản.

Về nội dung quảng cáo bắt buộc, dự thảo quy định rõ phải có tên sản phẩm, công dụng, tên tổ chức hoặc cá nhân chịu trách nhiệm, kèm theo các cảnh báo theo quy định quốc tế. Nếu quảng cáo trên các phương tiện truyền thông như báo nói, báo hình, các nội dung này phải được đọc rõ ràng.
Dự thảo nghị định mới về quản lý mỹ phẩm đang trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện, với mục tiêu hướng đến việc xây dựng một môi trường kinh doanh mỹ phẩm minh bạch, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và bảo vệ tối đa quyền lợi của người tiêu dùng.
MQ Skin quảng cáo công dụng như thuốc chữa bệnh?
Mặc dù các quy định đã được phổ biến rộng rãi, thương hiệu MQ Skin – một cái tên quen thuộc trong ngành mỹ phẩm nội địa vẫn bị phát hiện có hành vi quảng cáo sai lệch.

Cụ thể, tại website http://myphammqskin.com/ đang quảng cáo, rao bán Combo kem cao mụn và serum mụn sâm vàng MQ Skin với giá 300.000 đồng/bộ, giới thiệu “Combo trị mụn MQ Skin giúp ngăn ngừa mụn, hỗ trợ mờ các vết thâm do mụn và giúp da mềm mịn”; “Bộ trị mụn Mqskin chứa các thành phần chính gồm: Aqua, hydroxethyl Acrlate, Niacinamide (B3)”…
Hay như sản phẩm “Kem trị nám thải chì nhân sâm MQ Skin” đang được bán với giá 369.000 đồng/sản phẩm, quảng cáo “Kem trị nám thải chì nhân sâm MQ Skin MẪU MỚI giúp hút chì, nhả nám, hút tàn nhang, đào thải sắc tố xạm đen bên trong tầng biểu bì của da”; “Giúp dưỡng trắng da, se khít lỗ chân lông, kiềm dầu, căng mịn, tái tạo collagen hư tổn, nâng cơ mặt chống chảy sệ, giảm nếp nhăn. Da sẽ căng mịn mướt ngay tức thì, hiệu quả thấy rõ sau mỗi lần sử dụng”.

Tương tự, tại website https://myphammqskin.com.vn/ quảng cáo sản phẩm “Serum tái tạo da nhân sâm MQ Skin” (250.000 đồng/sản phẩm) có tác dụng: “Trị mụn, nám, tàn nhang, da không đều màu, da rỗ, da sần sùi”; “trị hư tổn do dùng thuốc rượu, kem chứa corticoid, chất tẩy. Phục hồi khỏe khoắn”.
Quảng cáo sản phẩm “Tái tạo ra BB Cream MQ Skin” (320.000 đồng/sản phẩm) có tác dụng: “Tái tạo ra BB Cream MQ Skin được mệnh danh là thần dược bảo vệ thanh xuân, là sản phẩm vàng trong làng chống lão hóa, chuyên dùng cho da thâm nám mụn tàn nhang sẹo rỗ”.

Đáng chú ý, website này cũng khẳng định “cam kết hiệu quả ngay sau khi dùng. Tạm biệt làn da xấu nám, mụn, tàn nhang, sẹo rỗ, lỗ chân lông to…”.
Việc MQ Skin quảng cáo mỹ phẩm như thuốc chữa bệnh không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn gây hậu quả lâu dài đối với thị trường mỹ phẩm trong nước. Người tiêu dùng dễ rơi vào tình trạng “tiền mất, tật mang” khi kỳ vọng quá mức vào công dụng sản phẩm, sử dụng không đúng cách dẫn đến dị ứng, viêm nhiễm hoặc kích ứng nghiêm trọng.
Theo Luật sư Đặng Văn Dũng, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, trường hợp sử dụng các từ như “trị”, “điều trị” “đặc trị” khi quảng cáo mỹ phẩm có thể coi là hành vi có dấu hiệu của tội “Quảng cáo gian dối” được quy định tại Điều 197 Bộ Luật Hình sự 2015.
Luật sư cho biết, tại Khoản 4 Điều 20 Văn bản hợp nhất số 04/VBHN-VPQH ngày 21/02/2025, Văn bản hợp nhất Luật Quảng cáo quy định “Quảng cáo mỹ phẩm là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt nên quảng cáo mỹ phẩm phải có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế”.

Bộ Y tế đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định về Quản lý mỹ phẩm (Đề xuất dự thảo Nghị định). Theo đó, tại Khoản 6 Điều 33 Dự thảo Nghị định đã đề xuất quy định về quảng cáo mỹ phẩm:
“Không được sử dụng các từ, cụm từ: “điều trị”, “tiệt trừ”, “chuyên trị”,…và các từ, cụm từ có ý nghĩa tương tự và các cụm từ không được chấp nhận trong công bố tính năng và tên sản phẩm quy định tại Phần 2. Công bố tính năng mỹ phẩm Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Nghị định này.”
Trong quá trình quảng cáo, nếu các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về quảng cáo mỹ phẩm; Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Về xử phạt hành chính: đối với hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP thì phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử phạt hình sự theo Điều 197 Bộ Luật Hình sự 2015 về tội quảng cáo gian dối với mức phạt như sau: Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Hoàng Bách