THCLKể từ khi thông tin liên quan tới vụ bê bối "thịt bẩn" tại Brazil được công khai, 15 thị trường đã cấm nhập khẩu hoàn toàn hay từng phần thịt và các sản phẩm thịt của Brazil. Điều này, có thể khiến nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin thiệt hại tới 1,5 tỷ USD.

Nhằm cứu vãn nguy cơ thiệt hại lớn của ngành xuất khẩu thịt, ngày 22/3, Chính phủ Brazil đã gửi một bức thư tới WTO, đề nghị tổ chức này đưa ra giải pháp ngăn cản những cấm đoán tùy tiện trong thương mại quốc tế hoặc trái với các nguyên tắc về vệ sinh thực phẩm trong Hiệp định về các biện pháp vệ sinh động thực vật (SPS). 
Brazil cho rằng, việc cảnh sát nước này đưa ra thông tin trên cho thấy sự minh bạch trong kiểm soát chất lượng thực phẩm, nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Theo tuyên bố của Bộ Nông nghiệp Brazil, tạm thời, 21 kho tích trữ thịt đông lạnh bị điều tra, 33 công chức tham ô bị cách chức. Ba trong số 21 kho hàng này bị cấm hoạt động.

Bộ Ngoại thương Brazil cho biết xuất khẩu thịt bò, thịt lợn và gia cầm đã giảm từ 60,5 triệu USD ngày 20/3, xuống chỉ còn 74.000 USD ngày 21/3. Kim ngạch xuất khẩu thịt bình quân trước khi xảy ra vụ việc của nước này ở mức 63 triệu USD/ngày.

Phát biểu trong một phiên điều trần trước Thượng viện Brazil, ông Blairo Maggi , Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil thừa nhận: “Vụ bê bối sẽ ảnh hưởng đáng kể tới uy tín và sẽ gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế quốc gia. Đồng thời, sẽ khó đạt mục tiêu tăng từ 7% lên 10% thị phần thực phẩm thế giới”.

Theo ông Maggi, bê bối "thịt bẩn" là một cú sốc lớn với Brazil, quốc gia xuất khẩu thịt bò, thịt gia cầm số 1 thế giới và đứng thứ tư về xuất khẩu thịt lợn với kim ngạch lên tới 11,6 tỷ USD năm 2016.

Liên quan đến vụ bê bối thịt mất an toàn này, quyết định mới nhất là ngày 22/3, chính quyền Hongkong (Trung Quốc) đã tạm ngưng nhập khẩu thịt từ Brazil. Lệnh cấm không chỉ nhắm vào thị bò, mà cả vào thịt gia cầm của Brazil.

Cùng ngày, Nhật Bản cũng đình chỉ vô thời hạn việc nhập khẩu thịt gia cầm và các sản phẩm thịt khác từ 21 nhà máy chế biến thịt của Brazil đang trong diện bị điều tra. Trước đó, Mexico, Trung Quốc, EU, Nga… cũng tạm ngừng việc nhập khẩu thịt từ Brazil  và yêu cầu Brazil tiến hành điều tra toàn diện, công khai, minh bạch về vụ việc tai tiếng này.

Phan Chinh - Văn Hiệp