Tờ China daily của Trung Quốc gọi BRICS là một tập thể đang trỗi dậy trong một thế giới đang thay đổi. Còn Giáo sư Christopher Isike của Đại học Pretoria, Nam Phi cho rằng, BRICS đang trở thành một khối địa chính trị và kinh tế rất quan trọng, đề cao tính đa cực và trật tự, đảm bảo sự cân bằng quyền lực, trong một thế giới có phần "hỗn loạn".
Những ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024 ở Kazan, Nga từ 22-24/10, thông tin cập nhật sự kiện và bình luận có liên quan nhóm Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) kín các trang báo. Truyền thông quốc tế đánh giá, cuộc tụ họp đầu tiên sau đợt mở rộng mang tính lịch sử, đánh dấu sự khởi đầu một kỷ nguyên hợp tác mới của BRICS++, khi vấn đề chính gắn kết các thành viên nhóm chính là sự "vỡ mộng" của họ với các thể chế quản trị toàn cầu do phương Tây lãnh đạo, đặc biệt là về kinh tế.
Trong khi đó, BRICS++ (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất) - với tư cách là một nhóm các nền kinh tế sở hữu tiềm năng phát triển hàng đầu hiện nay, đang tìm cách cải thiện trật tự thế giới và cân bằng lại sự thống trị của phương Tây đối với các vấn đề toàn cầu. Nhiều nước đang phát triển khác tìm kiếm tư cách thành viên của BRICS cũng do kỳ vọng xóa bỏ được sự bất bình đẳng trong các tổ chức và thể chế quốc tế hiện nay.
Trật tự thế giới đa cực?
Thành phố Kazan, thủ phủ của Cộng hòa Tatarstan - nơi được Nga lựa chọn để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024 mang nhiều ẩn ý thú vị. Là biểu tượng cầu nối giữa Châu Âu và Châu Á, đây cũng là nơi nhiều tôn giáo cùng tồn tại và phát triển vì hòa bình, vì hạnh phúc của con người và đó cũng hàm ý mong muốn về một thế giới đa cực, cùng chung tay phát triển mạnh mẽ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin công khai mục tiêu xây dựng một “trật tự thế giới đa cực” trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024.
Nhà lãnh đạo Nga khẳng định, BRICS không bao giờ được xây dựng “để chống lại bất kỳ ai" mà là hiệp hội của các nước cùng hợp tác dựa trên các giá trị chung, tầm nhìn chung về phát triển và trên nguyên tắc quan trọng nhất là tính đến lợi ích của nhau.
Theo đó, với tư cách là đương kim Chủ tịch BRICS, Nga đã kêu gọi sự ủng hộ của các nước Nam bán cầu, hay các quốc gia đang phát triển từ Châu Á, Châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ Latinh — đối trọng với Bắc bán cầu của các quốc gia công nghiệp hóa, theo truyền thống do Mỹ lãnh đạo.
Đón các vị khách quý tới sự kiện ngoại giao lớn nhất kể từ chiến dịch quân sự do Nga phát động tại Ukraine, Moscow dùng nghi thức chào đón đặc biệt của người Tatar với bánh mì muối và kẹo ngọt. Đề cao vai trò của nhóm kinh tế mới nổi hàng đầu, Tổng thống Putin nêu rõ BRICS++ như một giải pháp thay thế cho các tổ chức do phương Tây lãnh đạo, như G7, G20, đồng thời kêu gọi các thành viên chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu, bao gồm cả các xung đột khu vực.
"Quá trình hình thành một trật tự thế giới đa cực đang diễn ra, một quá trình năng động và không thể đảo ngược", Tổng thống Putin tuyên bố trong Lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024 và khẳng định Nhóm đang giành được ưu thế trong các vấn đề quốc tế.
Giữa tình trạng căng thẳng địa chính trị - kinh tế “nóng lên” trên toàn cầu, trong các cuộc hội đàm, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ của Moscow với các đối tác BRICS++, trong đó có các thế lực kinh tế hàng đầu như Trung Quốc, Ấn Độ... khẳng định, mối quan hệ của họ chính là nền tảng tạo nên sự ổn định của thế giới.
Đáp lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ca ngợi mối quan hệ sâu sắc Nga-Trung Quốc, đánh giá cao hợp tác trong bối cảnh thế giới đang trải qua những thay đổi sâu sắc chưa từng thấy trong một thế kỷ và tình hình quốc tế nhiều biến động đan xen. Nhà lãnh đạo Trung Quốc tái khẳng định, hợp tác BRICS là lực lượng trụ cột trong việc thúc đẩy thế giới đa cực một cách công bằng và có trật tự, cũng như toàn cầu hóa kinh tế có lợi và mang tính bao trùm.
Từ bên ngoài BRICS, một quốc gia thành viên của Liên minh Quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức nộp đơn xin gia nhập nhóm. Tất nhiên, Ankara có những tính toán riêng, nhưng động thái này đã phản ánh chiến lược xoay trục sang các liên minh phi phương Tây và mở rộng ảnh hưởng, khi BRICS đang nổi lên như một thế lực toàn cầu mới và được coi là đối thủ tiềm tàng của G20.
Tuyên bố chung kết thúc Hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo BRICS++ cam kết thúc đẩy hơn nữa thể chế BRICS, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương cởi mở và công bằng, đẩy mạnh cải cách các hệ thống Bretton Woods (IMF, WB...) bằng cách tăng cường "tiếng nói" của các nước đang phát triển...
Bình luận về cuộc hội họp quan trọng của BRICS, nhiều chuyên gia, như: Angela Stent, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á-Âu, Nga và Đông Âu tại Đại học Georgetown, hay nhà phân tích Timothy Ash của chương trình Nga và Âu Á tại Chatham House đều có chung nhận định rằng, Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan có tầm quan trọng cả về mặt biểu tượng và thực tế. Bởi sự kiện đó đã chứng minh rằng, thay vì bị cô lập và bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga vẫn có rất nhiều đối tác quốc tế sẵn sàng hợp tác, thậm chí là các cường quốc như Trung Quốc, Ấn Độ…
Sức mạnh BRICS++ là...
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các nước đang phát triển và các nền kinh tế thị trường mới nổi tìm cách bảo vệ tốt hơn an ninh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện mức sống của người dân. Trên “con đường” đó, họ cần một trật tự thế giới công bằng và chính đáng để thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế, chủ nghĩa đa phương và quan hệ quốc tế dân chủ.
China daily bình luận, trên thực tế, BRICS đã đề xuất một con đường phát triển khác với các mô hình phương Tây. Đó là một con đường mang tính xây dựng, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cải thiện quản trị toàn cầu.
Các quốc gia thành viên BRICS hiện đóng góp khoảng 1/3 GDP toàn cầu, nhiều hơn tổng tỷ trọng của các nước G7.
BRICS trải dài trên nhiều châu lục, với các thành viên chiếm khoảng 31% diện tích đất đai trên thế giới và 46% dân số toàn cầu.
BRICS cũng chiếm khoảng 40% sản lượng và trữ lượng dầu mỏ của thế giới. Điều này có nghĩa là BRICS có khả năng đáp ứng các yêu cầu phát triển không chỉ của các thành viên, mà còn của các quốc gia không phải thành viên, thậm chí là giúp xóa đói giảm nghèo trên toàn cầu.
BRICS đã phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ qua vì họ tin vào sự tham vấn và thỏa thuận thay vì chỉ một quốc gia đưa ra quyết định hoặc nêu điều khoản cho các thành viên khác phải tuân theo.
Các nguyên tắc cởi mở, minh bạch, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, hợp tác và phát triển chung, cũng như tinh thần bao trùm và cùng có lợi đã đoàn kết các thành viên BRICS.
Trong khi đó, các thành viên mới của BRICS đến từ Trung Đông và Châu Phi - những khu vực đại diện nhất cho các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, được kỳ vọng sẽ giúp xây dựng các mối quan hệ đối tác chặt chẽ và vững chắc hơn.
Việc đưa các nước Trung Đông vào BRICS sẽ thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực dầu khí. Với cuộc xung đột giữa Israel và Palestine không có dấu hiệu kết thúc và giá năng lượng tăng cao, các thành viên BRICS là những nhà sản xuất và tiêu thụ dầu khí lớn cần tăng cường hợp tác để bảo vệ các nguồn năng lượng.
Theo nước Chủ tịch BRICS 2024 công bố, hơn 30 quốc gia đã nộp đơn xin gia nhập BRICS, với lý do nhóm này thực sự dân chủ và đại diện cho họ.
Về sức mạnh, các quốc gia thành viên BRICS đang tham gia vào hợp tác thực tế trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, y tế... Hơn nữa, BRICS đã trở thành động lực quan trọng của hợp tác Nam-Nam và đang nỗ lực cải thiện quản trị toàn cầu.
Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2017 tại Trung Quốc, nhóm đã đề xuất mô hình hợp tác BRICS++, thúc đẩy đối thoại giữa các nền kinh tế thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. BRICS++ cố gắng khuếch đại tiếng nói của các nước đang phát triển trong hệ thống quản trị toàn cầu, đặt nền tảng vững chắc cho sự mở rộng của BRICS.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Kazan, Nga cũng đã tập trung vào "tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu" trên đa dạng lĩnh vực, tài chính, thương mại, công nghệ, công nghiệp, văn hóa, giáo dục và môi trường... Với các quốc gia thành viên hướng tới mục tiêu đạt được sự đồng thuận về tăng cường hợp tác kinh tế, cải thiện quản trị tài chính toàn cầu, duy trì hòa bình và ổn định toàn cầu, mở rộng giao lưu văn hóa, cũng như thảo luận về việc kết nạp thêm thành viên...
Trong sự kiện lớn lần này, nước chủ nhà Nga cũng đã phác thảo rõ hơn về nền tảng thanh toán - BRICS bridge, sử dụng cho các khoản thanh toán xuyên biên giới, bao gồm cả tiền kỹ thuật số. Như Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đề cập gần đây, hệ thống tài chính hiện tại đã được thành lập cách đây hơn nửa thế kỷ, do đó cần phải được hiện đại hóa và các yêu cầu tài chính của các nước đang phát triển cần được đáp ứng bởi các tổ chức mới, thay vì IMF và WB đang suy yếu.
Về vấn đề này, khi nói chuyện với Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Mới BRICS Dilma Rousseff, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng, "việc sử dụng các loại tiền tệ của các nước thành viên thay vì đồng USD hoặc đồng Euro đơn giản là "giúp duy trì phát triển kinh tế mà không bị ảnh hưởng bởi chính trị trong bối cảnh thế giới ngày nay".
Tất nhiên, trên thực tế, chỉ giải quyết riêng một vấn đề về nền tảng thanh toán đã là một câu chuyện phức tạp. Dù BRICS đang nỗ lực cải thiện quản trị toàn cầu và đạt được những thành công đáng kể trên trường quốc tế thì vẫn còn một chặng đường dài, trước khi đảm bảo các nền kinh tế thị trường mới nổi và các nước đang phát triển được hưởng quyền lợi xứng đáng. Do đó, để tạo nên sức mạnh, các quốc gia thành viên cần phải hợp tác để biến BRICS thực sự thành một nhóm đa phương, phát triển mạnh mẽ và cùng quan tâm lợi ích của nhau.
Theo China daily