“Tấn công” dồn dập
Trước đây, người dùng đã không ít lần đau đầu vì những tin nhắn rác với nội dung như: bán sim số đẹp, cho vay, bảo hiểm, xem tử vi… và rất nhiều dịch vụ khác. Thì nay, những tin nhắn với nội dung chào bán bất động sản khiến không ít người than phiền. Bởi những tin nhắn này luôn “bủa vây” khách hàng một cách dồn dập, mọi lúc, mọi nơi.
Nhiều người cảm thấy phiền khi bị "khủng bố" tin nhắn dồn dập
Anh Hùng, hiện đang làm việc tại Quận 3, TP. HCM, cho biết, mỗi ngày anh nhận được cả chục tin nhắn mời mua nhà đất từ các sàn, nhân viên môi giới. "Hồi giữa năm, trung bình mỗi ngày tôi nhận được vài ba tin nhắn quảng cáo bất động sản. Tuy nhiên, khoảng một tháng trở lại đây thì số lượng tăng lên gấp 2-3 lần, không kể ngày đêm. Sau cơn ác mộng nhận tin nhắn lô đề, bói toán rồi nhân viên ngân hàng gọi điện mời mở thẻ thì nay đến tin quảng cáo bất động sản".
Với những người sử dụng sim số đẹp thì tần suất nhận được tin nhắn quảng cáo bất động sản còn nhiều hơn. Không ít lần, chị Hoa (Quận Thủ Đức) còn nhận được những tin nhắn kiểu làm như thân quen như: "Chị ơi em Cường đây, bên em đang có suất ngoại giao mua chung cư... Liên lạc với em theo số...".
Chưa đầy 1 giây đã có 2.750.000 kết quả tìm kiếm của google
Chia sẻ thêm với phóng viên, chị Hoa – bản thân cũng là 1 nhân viên môi giới bất động sản - cho biết, gần đây số tin nhắn quảng cáo các dự án biệt thự, căn hộ cao cấp chiếm đa số với tần suất mỗi ngày 5-7 tin. Ngoài ra, một số dự án trước đây từng có tai tiếng do chậm tiến độ thì nay được các môi giới nhắn tin quảng cáo liên tục với tên gọi mới. Khách hàng tại TP. HCM còn nhận được tin nhắn quảng cáo cả bất động sản ở Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng…
Chuyên gia săn “đa – ta”
Trước tình trạng bị tin nhắn “tấn công” dồn dập, nhiều người thắc mắc không hiểu từ đâu mà các đơn vị kinh doanh có được số điện thoại của mình để gọi liên tiếp như vậy. Cuộc gọi lạ và luôn hỏi đúng tên. “Nhiều lúc đang dở việc thì số lạ gọi đến, cứ tưởng ai đó có chuyện gì quan trọng nhưng khi nghe máy mới biết mời mua nhà giá rẻ”, chị Xuân - trưởng phòng kinh doanh một công ty tại quận 3 than phiền.
Hàng loạt danh sách khách hàng được bán công khai
Để đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc này, phóng viên vào vai một môi giới bất động sản có nhu cầu mua “đa - ta” (data - dữ liệu) khách hàng nhằm chào bán sản phẩm. Đầu tiên, chúng tôi vào google tìm với từ khóa: “Mua data khách hàng bất động sản TP.HCM”, chưa đầy 1 giây thì đã có khoảng 2.750.000 kết quả hiện lên.
Theo những đường link từ kết quả tìm kiếm của google, thông tin của khách hàng được các “chuyên viên” giao bán công khai trên mạng, từ facebook, zalo, tới website cá nhân… Chỉ cần vài trăm ngàn cho đến vài triệu đồng là có thể mua được danh bạ điện thoại có số điện thoại của hàng ngàn người, tùy theo loại đối tượng khách hàng tiềm năng để quảng cáo.
Khi được hỏi những thông tin này được lấy ở đâu, có đảm bảo và uy tín không. Thì một đầu mối không ngần ngại chia sẻ: “Đây là những số điện thoại được chọn lọc qua các dự án mà người ta đã mua trước đó. Toàn những dự án hạng sang nên đây là những khách hàng tiềm năng, em biết cách khai thác thì đảm bảo sẽ có kết quả đấy”.
Những khách hàng gửi tiết kiệm tại ngân hàng nghiễm nhiên lọt vào danh sách
Chưa hết, những khách hàng mua sim số đẹp, mua vé máy bay hạng sang, mua ô tô, hay chỉ cần đăng ký thông tin tại một website nào đó cũng dễ dàng lọt vào tầm ngắm của các chuyên gia săn “đa - ta”
“Thật khốn khổ! Những người chọn cách quảng cáo một cách thô thiển, bất lịch sự như vậy thật nông cạn khi nghĩ rằng những người bị làm phiền quá đáng như vậy mà vẫn chịu khó lắng nghe và bị thuyết phục để tin dùng. Loại hình quảng cáo qua điện thoại này thật tệ hại nhưng chẳng hiểu sao vẫn cứ tồn tại, chẳng lẽ không có cách nào xử lý những kẻ xả rác trên mạng viễn thông”, chị Lan, một trong rất nhiều nạn nhân của hình thức quảng cáo này bức xúc.
Nhiều người sử dụng điện thoại di động cũng chia sẻ, việc tiếp thị bằng cách gọi điện như thế có thể không có gì quá đáng. Điều làm họ bức xúc là tất cả thông tin cá nhân như họ tên, độ tuổi, lĩnh vực nghề nghiệp… đều được nhân viên gọi đến nêu chính xác. Điều đó chứng tỏ đã có một sự thỏa thuận mua bán, trao đổi giữa các bên để có được những thông tin này, chứ không chỉ đơn thuần là họ gọi vào một số bất kỳ. Điều đó cho thấy những cá nhân, tổ chức thực hiện ghi nhận thông tin cá nhân đã không có sự tôn trọng khách hàng.
Hải Phong