Các sàn giao dịch tiền ảo đua nhau rút khỏi châu Á - Hình 1

Việc giới chức châu Á liên tục siết quản lý thị trường tiền ảo, nhiều sàn giao dịch đã mất kiên nhẫn và rút khỏi khu vực này...

Vào tháng 4, Kraken - sàn giao dịch tiền ảo có trụ sở tại San Francisco (Mỹ), đã thông báo sẽ ngừng cung cấp dịch vụ cho người dùng ở Nhật Bản. Sàn này sẽ ngừng nhận tiền đầu tư từ nước này - một trong những thị trường giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới. Những khách hàng hiện tại tại Nhật của sàn này sẽ bị ngừng giao dịch vào giữa tháng 6/2018 và họ phải rút tiền ra trong tháng này.

Gia nhập thị trường Nhật Bản vào tháng 10/2014, tháng trước, Kraken cho biết việc tiếp tục phục vụ cho người dùng tại Nhật Bản đang trở nên bất khả thi. Quyết định rời khỏi thị trường này liên quan đến việc công ty đã cân nhắc cẩn thận các chi phí và nguồn lực cần thiết để duy trì dịch vụ", Kraken nói.

Sàn giao dịch lớn thứ 13 trên thế giới không đưa ra thông tin chi tiết về lý do rút khỏi Nhật Bản, nhưng theo Nikkei, doanh thu không phải vấn đề. Dù giá đồng Bitcoin hiện dao động quanh mức 9.000 USD - chưa bằng nửa so với mức đỉnh thiết lập vào tháng 12/2017, nhưng khối lượng giao dịch hàng ngày của tiền ảo này - yếu tố sống còn của các sàn tiền ảo, không giảm tương ứng.

Các nhà phân tích cho rằng chi phí liên quan tới các quy định mới tại Nhật Bản là lý do chính khiến Kraken quyết định rời đi.

Tháng 1/2018, cộng đồng tiền ảo Nhật Bản đón một cú sốc khi sàn Coincheck bị tấn công và đánh cắp số tiền ảo NEM trị giá 530 triệu USD. Từ đó, Coincheck đã bị quản lý nghiêm ngặt cho đến thời điểm hiện tại. Cuối tháng đó, các nhà quản lý Nhật Bản đã siết chặt quản lý với các sàn giao dịch tiền ảo. 

Ngày 16/4, Monex Group đã mua lại Coincheck với giá 33 triệu USD. Cuối tháng 4, Coincheck thông báo lãi  491 triệu USD trong năm tài chính 2017, bất chấp việc phải đền bù cho các nhà đầu tư khoảng 47,3 tỷ yên (tương đương 432 triệu USD) cho vụ mất tiền ảo NEM.

Mặc dù lợi nhuận của Coincheck cho thấy các sàn giao dịch tiền ảo có thể thu lãi cao, nhưng chi phí cho việc duy trì hoạt động tại Nhật ngày càng tăng cao. 

"Việc ngừng dịch vụ cho người dùng sống tại Nhật Bản sẽ giúp chúng tôi tập trung nguồn lực tốt hơn để cải thiện các khu vực khác", Kraken cho biết. "Sau khi bắt với tốc độ tăng trưởng, chúng tôi sẽ cân nhắc khả năng tiếp tục dịch vụ tại Nhật Bản".

Thông tin về tiền ảo của Hồng Kông thậm chí còn gây sốc hơn. Binance, sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới về giá trị giao dịch, đang rời khỏi khu vực này để chuyển sang Malta - quốc đảo nhỏ nằm ở vùng Địa Trung Hải.

Trung Quốc cũng bắt đầu siết chặt hoạt động giao dịch tiền ảo vào năm ngoái, khi một số sàn giao dịch bị buộc phải đóng cửa. Ủy ban Chứng khoán Hồng Kông cũng đã gửi thư cảnh báo về hoạt động mà không được sự cho phép của 7 sàn giao dịch, trong đó có Binance. Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản cũng đưa ra lời cảnh báo tương tự đến các sàn giao dịch đang hoạt động tại nước này.

Tại Malta, Binance có thể phát triển kinh doanh với cơ chế quản lý ít bất ổn hơn. Thủ tướng Malta - Joseph Muscat bày tỏ sự vui mừng với quyết định của Binance.

"Chúng tôi hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia tiên phong trên toàn cầu về việc quản lý doanh nghiệp dựa trên nền tảng blockchain và quyền tài phán về chất lượng và lựa chọn cho các công ty công nghệ tài chính tầm cỡ thế giới", ông Muscat nói.

Sàn giao dịch Bitfinex cũng đang tìm cách rời khỏi Hồng Kông và chuyển sang Thụy Sĩ.

Đối với các cơ quan quản lý, việc bảo vệ các nhà đầu tư bán lẻ là ưu tiên hàng đầu khi các loại hình đầu tư mới được đưa vào giao dịch. Việc hạ thấp các tiêu chuẩn để những lĩnh vực non trẻ này phát triển không phải là điều khôn ngoan. Tuy nhiên, cơ quan quản lý các nước tại châu Á cần phải cân bằng giữa các yếu tố trước khi có thêm sàn giao dịch tiền ảo mất kiên nhẫn và rời khỏi khu vực.

Theo Vneconomy