Tàu khai thác thủy sản cập Cảng cá Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.
Tàu khai thác thủy sản cập Cảng cá Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. (Ảnh: KT)

Theo đó, đến năm 2025 giảm 10% hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi so với năm 2020; 100% tàu cá hoạt động vùng khơi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định và được cung cấp bản tin dự báo ngư trường phục vụ khai thác thủy sản hiệu quả; 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên được kiểm tra cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase); phối hợp xây dựng và triển khai mô hình quản trị số hoạt động khai thác thúy sản.

Đến năm 2030, cơ cấu đội tàu, nghề khai thác và tổng sản lượng thủy sản khai thác phù hợp với quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; có tàu cá đi khai thác viễn dương và khai thác hợp pháp tại vùng biển của các quốc gia, vùng lãnh thổ theo thỏa thuận hợp tác nghề cá; tàu cá sử dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong khai thác và bảo quản sản phẩm đạt 50%; tổn thất sau thu hoạch trung bình giảm xuống dưới 10%.

Đồng thời, phấn đấu có ít nhất 02 chợ đầu mối, chợ bán đấu giá hải sản gắn với các cảng cá, trung tâm nghề cá hoặc mô hình gắn khai thác, dịch vụ nghề cá với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn tại cảng cá, làng nghề truyền thống ven biển; duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị khai thác thủy sản bình quân đạt 1,5%/năm, thu nhập trung bình của lao động khai thác thủy sản tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020.

Chấm dứt nghề khai thác thủy sản hủy diệt nguồn lợi, ảnh hưởng môi trường sinh thái biến; 100% thuyền trưởng tàu cá vùng khơi được tập huấn định kỳ các quy định trong nước và quốc tế về khai thác thủy sản; 60% lao động khai thác thủy sản được hướng dẫn các kỹ năng, quy trình kỹ thuật khai thác, đảm bảo an toàn trên biển; tai nạn tàu cá giảm xuống dưới 01 vụ/1.000 tàu/năm.

Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau duy trì phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản của tỉnh với cơ cấu tàu, nghề phù hợp khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản; hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động có nguy cơ xâm hại, tác động tiêu cực đến biển sang bảo vệ, bảo tồn, tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân vùng ven biển, đảo.

Ngoài ra, sản xuất an toàn, hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống ngư dân, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thuận Yến - Thùy Linh