Đánh giá cho thấy, số lượng lao động có việc làm, hoặc vẫn làm nghề cũ, nhưng có thu nhập cao hơn sau khi được đào tạo là 2,79 triệu người (đạt 98,24% so với tổng số lao động được đào tạo).

Số hộ gia đình có người tham gia học nghề thoát nghèo là 65.515 hộ; số hộ gia đình có người tham gia học nghề trở thành hộ có thu nhật khá 134.016 hộ. Các địa phương cũng đã chủ động lựa chọn các ngành nghề đào tạo đáp ứng yêu cầu sản xuất của nông dân, trong đó chú trọng các ngành chủ lực là thế mạnh gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Nhìn chung công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2020 đã đạt được những kết quả tích cực. Dù vậy, kết quả phản ánh qua một số nhóm lĩnh vực kinh tế nông thôn, nhất là phát triển trang trại, lại chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Thống kê cho thấy, cả nước hiện có 30.026 trang trại, trong đó, số trang trại chăn nuôi chiếm tỷ lệ lớn nhất (chiếm 57,8% tổng số trang trại). Các trang trại tập trung nhiều ở vùng Đồng bằng sông Hồng, Trung du và miền núi phía Bắc và khu vực Đông Nam Bộ.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Các trang trại hiện đang sử dụng 35.904 ha đất. Bình quân mỗi trang trại sử dụng 3,1 ha đất. Hiện, mỗi trang trại sử dụng trung bình 3,7 lao động. Đáng chú ý, lao động trong các trang trại đa số chưa qua đào tạo, chiếm 97% tổng số lao động trong lĩnh vực trang trại. Số lao động đã qua đào tạo chỉ chiếm khoảng 3%; trong đó, có trình độ Cao đẳng chiếm 0,2% và Đại học, trên Đại học chiếm 0,3%.

Dù phần lớn là lao động chưa qua đào tạo, nhưng thu nhập bình quân lao động tại các trang trại vẫn đạt khoảng 4,9 triệu đồng/tháng. Doanh thu bình quân của một trang trại đạt gần 1,5 tỷ đồng/năm. Các loại hình kinh tế trang trại cũng đang ngày một đa dạng và mang lại giá trị cao hơn...

Hà Trần