Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu, trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP năm 2021, các bộ, ngành, địa phương lập danh sách dự án dự kiến đầu tư theo phương thức PPP năm 2022; kiến nghị, đề xuất và kế hoạch thực hiện năm 2022 để đảm bảo hiệu quả, hiệu lực trong quản lý và thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.
Lý do cần phải lập danh sách dự án dự kiến đầu tư theo phương thức PPP vì hoạt động này của 2021 còn nhiều vướng mắc, tồn đọng. Đối với năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các đơn vị báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo các nội dung: Các dự án được triển khai thực hiện từ thời điểm Luật PPP có hiệu lực (bao gồm dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư và dự án đang tổ chức lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi); dự án PPP được chuyển tiếp theo Luật PPP (trừ dự án BT); dự án áp dụng loại hợp đồng BT được chuyển tiếp thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.
Báo cáo về tình hình thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP năm 2021 căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 8; khoản 3, Điều 90; khoản 3, Điều 92; khoản 3, Điều 93 Luật Đầu tư theo phương thức PPP, Điều 6 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/03/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP.
Ngoài ra, các bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động bố trí nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao nghiệp vụ về đầu tư theo phương thức PPP và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng cường phổ biến, tuyên truyền các quy định về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức tài chính.
Nguồn Bộ Kế hoạch và Đầu tư