Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM đề nghị các ngân hàng sẽ có những sản phẩm tín dụng dành riêng cho các doanh nghiệp du lịch, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục hoạt động trong điều kiện khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. 

Tại buổi tọa đàm, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cho hay, tình hình dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến phức tạp. Do vậy tâm lý chung lúc này cần ứng phó lâu dài. Đối với Saigontourist Group, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lưu trú, lữ hành, khu vui chơi giải trí, hội chợ triển lãm đều bị ảnh hưởng. Dù đã đưa ra những giải pháp thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, nhưng chỉ có thể phục hồi một phần chứ không thể phục hồi toàn bộ.

 

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP phát biểu tại buổi tọa đàm.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP phát biểu tại buổi tọa đàm..

“Nhân đây, tôi đề xuất Bộ VHTTDL tiếp tục kiến nghị, xem ngành du lịch là một trong những ngành ưu tiên hàng đầu về những gói hỗ trợ, gồm khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, có gói giải pháp về tài chính…”, ông Võ Anh Tài kiến nghị.

Ông Trương Quang Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty Du thuyền Việt Viet Princess phản ánh, doanh nghiệp đầu tư bằng tiền của cổ đông, đóng 4 tàu du lịch 5 sao trên sông Mê Kông khoảng 200 tỷ đồng, sau khấu hao giờ còn khoảng 180 tỷ đồng. Hàng năm, doanh nghiệp chuyển vào hệ thống ngân hàng khoảng 100 tỷ đồng. Nay có nhu cầu vay vốn do kinh doanh sụt giảm, phải bù lỗ thì phía ngân hàng từ chối vì là ngành rủi ro cao.

Đại diện Fiditour, ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Lữ hành Fiditour đề xuất, các ngân hàng có thể dựa trên mức đóng thuế nhà nước trong những năm trước đây, mức độ uy tín, độ lớn của thương hiệu, xem qua số lượng lao động của doanh nghiệp… làm căn cứ xét duyệt vay. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng có thể cùng doanh nghiệp lữ hành tung ra chương trình kích cầu tiêu dùng, mua tour trả góp lãi suất 0% từ 6-12 tháng; Liên kết này vừa giúp doanh nghiệp lữ hành có khách, đồng thời ngân hàng cũng có nguồn thu.

Giải đáp một số thắc mắc của doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM khẳng định, không có tình trạng thiếu vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời ngành ngân hàng đã có cơ chế để các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn ngân hàng một cách tốt nhất, với lãi suất ưu đãi. Tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng thành phố đặt ra trong năm nay là 14%. Ông khẳng định “Ngành ngân hàng thành phố khẳng định không thiếu vốn cho tất cả doanh nghiệp. Các ngân hàng không được từ chối khách hàng có nhu cầu vay, nếu đáp ứng đủ điều kiện”.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, trong tình trạng này, nếu không có giải pháp phát huy vai trò của nhà nước thì sẽ không có lời giải cho việc hỗ trợ doanh nghiệp. Sở Du lịch thành phố cũng kỳ vọng sẽ có thông tư sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN (về giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp và giữ nguyên nhóm nợ) để có giải pháp kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thùy Linh