Quy định thanh toán các loại phí, giá, tiền dịch vụ của chủ phương tiện thông qua tài khoản giao thông được nêu tại Nghị định 119 hướng dẫn điều 43 Luật Đường bộ về thanh toán điện tử giao thông mà Chính phủ vừa ban hành.
Theo đó, phương tiện phải được gắn thẻ đầu cuối để mở tài khoản. Thẻ này là thiết bị điện tử gắn trên phương tiện để giao tiếp thông tin với hệ thống thu phí điện tử không dừng và lưu trữ thông tin liên quan đến kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Việc gắn và kích hoạt thẻ do nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ thực hiện. Chủ xe phải trả chi phí gắn thẻ cho nhà cung cấp.
Mỗi tài khoản có thể chi trả cho nhiều xe, song mỗi xe chỉ được nhận chi trả từ một tài khoản và được kết nối với một phương tiện thanh toán. Chủ xe phải đảm bảo đủ tiền trong phương tiện thanh toán; được thanh toán cho nhiều lĩnh vực và được kết nối với phương thức thanh toán theo nhu cầu, không phải chi trả qua ví điện tử của nhà cung cấp dịch vụ thu phí như hiện nay.
Văn bản này nhằm tạo hành lang pháp lý để phát triển thanh toán điện tử trong giao thông như trông giữ xe, thu phí sân bay, cảng biển, đăng kiểm... Các quyết định hiện hành mới cho phép thu phí đường bộ điện tử trên quốc lộ, cao tốc.
Nghị định có hiệu lực từ hôm nay (1/10). Tuy nhiên, Bộ GTVT thông tin chủ phương tiện có một năm (đến 1/1/2025) để chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông kết nối phương tiện thanh toán. Bộ GTVT sẽ xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ để chia sẻ cho nhà cung cấp dịch vụ.
Trong giai đoạn chuyển tiếp từ nay đến 1/7/2026, Bộ GTVT duy trì hình thức thu phí dịch vụ đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán kết nối hệ thống điều hành và trung tâm dữ liệu để chia sẻ thông qua tài khoản giao thông. Từ 1/7/2026, Bộ vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
PV