Cách nhận biết và phòng chống dịch bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ - Hình 1

(Ảnh minh họa)

Sốt xuất huyết: Người bệnh đang tỉnh táo bỗng trở nên lừ đừ, có khi vật vã; Xuất hiện những cơn đau bụng dữ dội mà trước đây không có hoặc rất ít; Tay, chân lạnh; Da đổi màu, trở nên bầm bầm, môi xám lại; Người bệnh tiểu ít hẳn hoặc không tiểu chút nào, nhưng rất khát. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh thì đến ngay cơ sở khám chữa bệnh để khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Sốt ban đỏ: Bệnh sốt phát ban đỏ xuất hiện chủ yếu ở trẻ sơ sinh. Một ngày sau khi mắc bệnh, những chấm phát ban nhỏ màu đỏ sẽ xuất hiện trên cơ thể. Đặc điểm nổi bật là các nốt không xuất hiện trên mũi hoặc vùng da quanh môi. Để tránh các biến chứng nghiêm trọng trong các cơ quan nội tạng, nếu trẻ nhỏ có những triệu chứng như trên cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và lấy thuốc cho trẻ uống.

Virus Rota (Tiêu chảy cấp): Dấu hiệu của Virus Rota đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy. Bệnh có thể lây nhiễm nếu bạn tiếp xúc với người bệnh hoặc ăn uống chung thực phẩm của người bệnh. Khi thấy trẻ có những triệu chứng nói trên cần cho trẻ uống nhiều nước, nhưng với số lượng nhỏ, khoảng 3-5 phút một thìa nước. Sau đó đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và lấy thuốc cho trẻ uống.

Rubella: Đây là căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi một loại virus gây hại cho hệ thống miễn dịch, tất cả các cơ quan và hệ thống nội tạng. Một triệu chứng quan trọng của rubella là phát ban xuất hiện vào ngày thứ 3 sau khi mắc bệnh. Ở giai đoạn đầu, phát ban bắt đầu xung quanh tai, phần phía trước của cổ và má nhưng không bao giờ xuất hiện trên lòng bàn tay hoặc bàn chân. Kiểm tra phát ban, máu và nước tiểu của trẻ có thể giúp chẩn đoán bệnh.

Bệnh ho gà: Ho gà là bệnh do vi khuẩn ho gà (tên khoa học là Bordetella pertussis) gây nên, vi khuẩn này lây theo đường hô hấp. Bệnh ho gà ở trẻ là 1 chứng bệnh thường gặp, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh trở nên rất nguy hiểm.

Bệnh viêm đường hô hấp: Thường có biểu hiện như sốt cao, đau họng khi nuốt, nghẹt mũi, đau đầu, lạnh toàn thân, tiêu chảy nhẹ… Để phòng tránh căn bệnh này bạn cần lưu ý luôn đeo khẩu trang khi ra bên ngoài, không hút thuốc, hạn chế tiếp xúc trong môi trường đông người, luôn tăng cường, bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể để tăng khả năng miễn dịch, phòng tránh bệnh hiệu quả.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế chủ động phòng chống các dịch bệnh giao mùa cần được tư vấn và đưa trẻ đến các cơ sở y tế tiêm vắc-xin phòng các loại bệnh như: cúm, thủy đậu, rubela…

Ngoài ra, người dân không nên chủ quan với bệnh do vi rút Zika mà nên phòng tránh muỗi đốt và vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, loăng quăng để giảm thiểu tác nhân gây bệnh. Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng.

Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất... cũng giúp tăng cường sức đề kháng, miễn dịch và phòng bệnh tốt hơn.

Huy Trung