Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, trong giai đoạn 10 năm tới, cải cách quản lý tài chính công sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo đánh giá của các đối tác phát triển, những ưu đãi thuế và đầu tư công được Chính phủ Việt Nam ban hành thời gian qua là rất kịp thời để kích thích tiêu dùng tư nhân và tổng cầu, giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn từ dịch Covid-19. Đại diện các tổ chức đối tác phát triển của Việt Nam, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: Những hoạt động cải cách quản lý tài chính công do Bộ Tài chính chủ trì đã và đang tăng cường “sức khỏe” cho hệ thống này, và đã chứng tỏ khả năng chống chịu trong suốt khủng hoảng vừa qua.

Tuy nhiên, chuyên gia quốc tế khuyến nghị, cải cách quản lý tài chính công tại Việt Nam vẫn cần nâng cao hiệu quả hơn nữa.

Cải cách quản lý tài chính công trên cơ sở 03 trụ cột. Ảnh minh họa internet
Cải cách quản lý tài chính công trên cơ sở 03 trụ cột. Ảnh minh họa internet.

Tại Hội nghị trực tuyến Nhóm đối tác tài chính công năm 2022 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh với các tổ chức đối tác phát triển của Việt Nam: "Trong giai đoạn 10 năm tới, cải cách tài chính công, đặc biệt là cải cách thể chế tài chính, hiện đại hóa ngành Tài chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo đời sống an sinh xã hội và thực hiện hiệu quả các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nền kinh tế số, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bao trùm và bền vững".

Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, sẽ tiếp tục cải cách tài chính công trên cơ sở 03 trụ cột, là: Hoàn thiện chính sách, trong đó có vấn đề đổi mới phân cấp quản lý ngân sách, hoàn thiện các chính sách thuế (giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp,...); Thực hiện quản lý tài chính công, quản lý nợ công, quản lý tài sản công chặt chẽ; Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Bên cạnh đó là cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện quy trình, thủ tục; trong đó có thủ tục quản lý thu thuế, hải quan, chi ngân sách, kho bạc,… với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, kỹ thuật số, chú trọng kết quả đầu ra, nâng cao minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Ngoài ra, nâng cao năng lực cán bộ, đặc biệt là cán bộ hoạch định chính sách, quản lý giám sát, xây dựng vị trí việc làm đối với các chức danh ngành tài chính...

Q.N (t/h)