Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày, báo cáo của Chính phủ đã tổng hợp đầy đủ và thuyết minh chi tiết tình hình thực hiện dự toán chi phí quản lý cả giai đoạn và theo từng năm, đánh giá khá toàn diện mặt được, mặt hạn chế và làm rõ các nguyên nhân. Tuy nhiên, Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng, một số thông tin trong Báo cáo số 03/BC-CP cho thấy số liệu làm căn cứ xác định dự toán thấp hơn so với khối lượng công việc thực tế .
Thống nhất với đánh giá của Chính phủ về tình hình thực hiện chi phí quản lý giai đoạn 2016 - 2018, trong đó nhấn mạnh một số kết quả đạt được như: Bố trí chi phí quản lý được thực hiện đúng quy định; công tác thu, chi các chế độ bảo đảm cân đối quỹ; việc chi trả các chế độ BHXH, BHTN bảo đảm đúng, đủ và kịp thời; đầu tư an toàn và bảo toàn tăng trưởng quỹ; công tác cải cách hành chính trong thực hiện chính sách đạt được nhiều kết quả đột phá; việc ưu tiên bố trí kinh phí cho đầu tư, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa quản lý BHXH đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Việc áp dụng mức chi tiền lương bằng 1,8 lần đã tạo điều kiện khuyến khích, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đời sống của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động làm công tác BHXH, tạo động lực gắn bó với ngành trong bối cảnh áp lực công việc ngày càng gia tăng…
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Các vấn đề xã hội cũng đánh giá, kết quả thực hiện chi phí quản lý BHXH các năm 2016, 2017 tuy bảo đảm tỷ lệ theo quy định, nhưng mức tiền đều tăng so với dự kiến chi phí quản lý được Chính phủ trình tại Báo cáo số 480/BC-CP ngày 09/10/2015, đề xuất chi phí quản lý BHXH giai đoạn 2016 - 2018.
Theo đó, năm 2016 tăng 6,2% (612 tỷ); năm 2017 tăng 13% (1.385 tỷ); dự kiến năm 2018 tăng 21% (2.403 tỷ). “Điều này cho thấy, việc dự báo đối tượng tham gia và đối tượng thụ hưởng chưa sát với những thay đổi chính sách đã được quy định trong Luật BHXH 2014” - bà Nguyễn Thúy Anh nhận định.
Bên cạnh đó, báo cáo thẩm tra do bà Nguyễn Thúy Anh trình bày cũng phân tích, báo cáo của Chính phủ chưa thể hiện rõ mối quan hệ giữa cải cách thủ tục hành chính và việc giảm chi phí quản lý, trong đó có việc giảm thời gian thực hiện các thủ tục kê khai tham gia, nộp tiền đóng đã giảm từ 335 giờ xuống chỉ còn 45 giờ.
Khi xây dựng nhu cầu chi phí quản lý BHXH giai đoạn 2016 - 2018 chưa dự báo một số chi phí lớn để triển khai một số nhiệm vụ mới phát sinh theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội như: Bàn giao sổ BHXH cho người lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, cấp số định danh và quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình...;
Ngoài ra, một số nội dung chi được dự toán chưa sát, có sự chênh lệch lớn, BHXH Việt Nam phải sắp xếp kinh phí trong phạm vi dự toán được giao để bảo đảm nguồn lực thực hiện nhiệm vụ .
Cùng với đó, việc giao dự toán chi phí quản lý theo tỷ lệ phần trăm (%) tính trên dự toán thu, chi BHXH, bảo hiểm tự nguyện (BHTN), nhưng không xác định tỷ trọng của từng nội dung chi, chưa tạo động lực khuyến khích tiết kiệm chi thường xuyên cho hoạt động quản lý bộ máy để tăng chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; chưa phải là giải pháp tài chính hữu hiệu xử lý tình trạng trốn đóng, nợ đọng, lạm dụng, trục lợi BHXH, BHYT, BHTN còn đang diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương và ở mức cao.
Thanh Bình