Theo dữ liệu của Cơ quan thống kê Châu Âu (Eurostat), kể từ tháng 02/2022, sau khi khối 27 thành viên bắt đầu áp đặt các lệnh cấm vận đối Moscow, chi tiêu nhập khẩu khí đốt của khối này hàng tháng đã tăng lên 16,3 tỷ USD.
Trong số này, 8,3 tỷ USD dành cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), hơn 8 tỷ USD còn lại cho khí đốt thông qua các đường ống dẫn khí. Những năm trước đó, khối chỉ mất khoảng 6,3 tỷ USD cho việc nhập khí đốt hàng tháng.
Từ con số trên, Eurostat ước tính, các quốc gia thành viên EU trong vòng 20 tháng đã chi tổng cộng 328 tỷ USD cho nhập khẩu khí đốt. Nhập khẩu khí đốt của Liên minh Châu Âu (EU) luôn có xu hướng tăng theo thời gian và điều này càng khiến khối mất thêm nhiều tiền.
Trong khi đó, Mỹ lại thu về khoản lợi nhuận ước tính trị giá 57 tỷ USD. Các quốc gia khác được hưởng lợi từ nhập khẩu khí đốt của EU còn có Anh (29,1 tỷ USD), Na Uy (25,8 tỷ USD) và Algeria (22,6 tỷ USD).
Mặt khác, Nga dù hứng chịu các lệnh cấm vận từ EU nhưng vẫn xuất khẩu được 15 tỷ USD khí đốt cho khối này.
Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính Châu Âu cho hay, trong 17,8 tỷ m3 LNG của Nga được giao đến EU 9 tháng năm 2023, có tới 21% được chuyển sang tàu khác có đích đến là các nước không thuộc khối, gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Bangladesh.
Khối 27 thành viên áp đặt những lệnh trừng phạt mạnh tay lên Nga, hoạt động vận chuyển và nhập khẩu năng lượng từ Moscow sang phương Tây đã bị hạn chế. Tuy nhiên, các nước EU vẫn tiếp tục mua khối lượng LNG kỷ lục từ Nga, bất chấp cam kết về việc "cai nghiện" năng lượng của đất nước này từ các thành viên liên minh này.
Trong đó, Tây Ban Nha, Pháp và Bỉ nằm trong số quốc gia tăng mạnh lượng mua LNG của Moscow. Các cảng ở cả 03 quốc gia EU này tiếp tục nhận lượng khí đốt Nga từ nhà máy LNG Yamal.
Amund Vik, cựu lãnh đạo ngành năng lượng Na Uy cho biết, chính phủ các nước Châu Âu vẫn đang tiến thoái lưỡng nan trong vấn đề này. "Họ rất thận trọng với chủ đề này", ông nhấn mạnh.
Theo Báo Quốc tế