Cần cẩu hoạt động sai quy định

Theo quy định, trường hợp vùng hoạt động của cần trục tháp vượt ra khỏi phạm vi công trình, ảnh hưởng tới giao thông đi lại của nhân dân và các công trình lân cận, cần trục tháp chỉ được hoạt động từ 22h đêm hôm trước đến 6h sáng hôm sau và phải đảm bảo có đủ hệ thống cảnh báo, cảnh giới, người hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời tăng cường kiểm tra bảo đảm an toàn kĩ thuật của cần trục tháp.

Theo ghi nhận của phóng viên, khoảng 15 giờ chiều ngày 4/5/2019, trong lúc mật độ tham gia giao thông tại tuyến đường Chu Văn An (Hà Đông, Hà Nội) đang tăng cao, bất ngờ cần cẩu trục tháp của dự án Toà tháp Thiên niên kỷ do Công ty TSQ Việt Nam làm chủ đầu tư đã vắt ngang qua đường Chu Văn An. 

Cần cẩu trực tháp dự án Thiên niên kỷ “lòng thòng” giữa đường: Lại điệp khúc “rút kinh nghiệm” - Hình 1

Cần cẩu trục tháp dự án Toà tháp Thiên niên kỷ do Công ty TSQ làm chủ đầu tư vắt ngang giữa đường

Chưa dừng lại ở đó, dây cáp cẩu của dự án này cũng trong tình trạng di chuyển từ trên cao xuống thấp, vượt ra khỏi phạm vi của dự án của tường rào bao quanh. Rất may là dây cần cẩu này đang không vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng.

Trao đổi với ông Phạm Quang Thiện, Phó chủ tịch phụ trách kinh tế đô thị phường Yết Kiêu – Hà Đông được biết, cần cẩu trục tháp của dự án đã có đủ pháp lý về chấp thuận vùng hoạt động, kiểm định an toàn, bảo hành máy móc...

Tuy nhiên, ông Thiện cho rằng: “Chúng tôi có cử người canh, nhưng không để ý là cần cẩu hoạt động trộm, phường thường xuyên nhắc nhở để CĐT chú ý”.

Ông Thiện cũng nói: “Tuy nhiên, theo nghị định 139 về xử lý vi phạm hành chính lại không có khung xử phạt hành chính về việc cần cẩu trục tháp chĩa ra ngoài đường sai quy định. Điều này rất khó cho chúng tôi vì chỉ có thể nhắc nhở được thôi”.

“Chúng tôi kiến nghị cần phải đưa vào khung hành vi vi phạm hành chính để xử lý trọng hoạt động xây dựng”, ông Thiện đề xuất.

Bên cạnh đó, vị Phó Chủ tịch Phường cũng cho biết, trước đó dự án này đã bị xử phạt 25 triệu đồng vì lỗi chưa được chấp thuận vùng hoạt động mà cần cẩu đã hoạt động.

Ban quản lý dự án: “Rút kinh nghiệm”

Trao đổi với Ban quản lý dự án Toà tháp Thiên niên kỷ, ông Phạm Nhu Dũng, Trưởng Ban quản lý dự án cho biết, cần cẩu tháp của dự án đã đầy đủ pháp lý. Dự án có 2 cẩu thuộc 2 đơn vị thầu khác nhau. Cần cẩu như phản ánh của PV là cẩu của đơn vị GeoVietnam”.

Ông Hoàng Trung Kiên – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần GeoVietnam cho rằng: “Đúng theo quy định, trường hợp vùng hoạt động của cần trục tháp vượt ra khỏi phạm vi công trình, ảnh hưởng tới giao thông đi lại của nhân dân và các công trình lân cận, cần trục tháp chỉ được hoạt động từ 22h đêm hôm trước đến 6h sáng hôm sau, tuy nhiên cái khó là không thể hoạt động nhiều về đêm vì ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân xung quan. Do đó, khi hoạt động vào ban ngày, chúng tôi rất hạn chế giờ cao điểm, thi thoảng có lúc cẩu ra 1-2 mã, chỉ có một vài lần”.

“Chúng tôi xin tiếp thu và rút kinh nghiệm, tuy nhiên cần cẩu này rất chắc chắn, được đảm bảo về chất lượng, kĩ thuật, công nghệ nên hoàn toàn yên tâm”, ông Kiên cho hay.

Đảm bảo hồ sơ pháp lý, tuân thủ các biện pháp an toàn cẩu là vậy, thế nhưng, không ai có thể lường trước được tất cả các sự việc chưa xảy ra ở hiện tại. Đơn cử, hồi tháng 8/2018, xảy ra sự cố đứt cáp cẩu tại Dự án The Sun, phường Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội), do Công ty CP Đầu tư và sản xuất Thái Dương làm chủ đầu tư, làm sập toàn bộ nhà điều hành và bị thương 2 người. Ngay sau đó, dự án đã bị đình chỉ thi công để thanh tra toàn bộ. Rất may là khi đó vùng hoạt động của cần cẩu đang nằm trong dự án, nếu ra ngoài phạm vi dự án như trường hợp của Toà tháp thiên niên kỷ thì quả thật nguy hiểm.

Lúc này, cần hơn bao giờ hết sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý, để tình trạng xây dựng chung cư cao tầng đảm bảo đúng quy định và an toàn.

Trúc Mai