Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhu cầu tiêu thụ rau, củ, quả của người dân trên địa bàn Thủ đô có thể tăng 10-15%, thịt lợn 18-20%, thịt bò tăng 15%, thịt gà tăng 20%, gạo 5-7%... Trong khi đó, khả năng sản xuất của doanh nghiệp Thủ đô chỉ đáp ứng được 50-65% nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội.

Cận Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân Thủ đô tăng mạnh - Hình 1

Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa dự báo tăng mạnh dịp Tết Nguyên đán

Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, để tránh tình trạng thiếu hàng, sốt giá, cũng như đảm bảo ổn định cho các mặt hàng thiết yếu không biến động, ngay từ tháng 6/2018 Sở Công Thương đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố. Đồng thời, phối hợp với UBND các quận, huyện trên địa bàn định hướng cho doanh nghiệp xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết.

Hiện, 30/30 quận, huyện đã thực hiện xong công tác chuẩn bị hàng hóa. Cũng theo bà Lan, đến nay, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã triển khai hoạt động sản xuất, ký kết hợp đồng khai thác hàng hóa dự trữ để bảo đảm phục vụ nhu cầu đa dạng của nhân dân trong dịp Tết, ứớc tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 28.500 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với dự trữ hàng hóa Tết năm 2018).

Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát phục vụ Tết trên địa bàn dự kiến sản xuất đưa ra thị trường phục vụ tết giá trị hàng hóa khoảng 10.000 tỷ đồng. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm hàng phục vụ Tết Nguyên đán như bánh mứt kẹo, giò chả, miến, nông sản chế biến, chè, miến dong, bột sắn… với tổng giá trị khoảng 2.200 tỷ đồng, doanh nghiệp kinh doanh thương mại dự kiến dự trữ và đưa ra thị trường giá trị hàng hóa khoảng 15.300 tỷ đồng…

Đồng thời, Sở Công thương phối hợp với UBND các quận, huyện thị xã tổ chức các điểm bán hàng phục vụ nhân dân trên địa bàn, tập trung vào dịp cuối năm 2018 như: Tổ chức 10 phiên chợ Việt và trên 380 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhân dân, người lao động khu vực ngoại thành; tổ chức thành công Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2018... Điển hình, Sở Công thương đã tổ chức thực hiện Đề án thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành thuộc thành phố Hà Nội, hình thành hệ thống điểm bán trái cây an toàn phục vụ nhân dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2019.

Đến nay, đã có 766 cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận nội thành đáp ứng yêu cầu của Đề án được cấp biển nhận diện và xây dựng được 33 tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè. Bên cạnh đó, Sở Công thương đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã rà soát 70 điểm tổ chức chợ Hoa Xuân phục vụ Tết và đang phối hợp với các sở, ngành Giao thông vận tải, Công an thành phố thống nhất trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt.

Ngoài ra, nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, Hà Nội đã tổ chức các đoàn doanh nghiệp Hà Nội tham gia các hoạt động xúc tiến, tiêu thụ nông sản tại Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Lào Cai, Lạng Sơn… qua đó các doanh nghiệp đã ký kết trên 400 biên bản ghi nhớ, hợp tác và tiêu thụ sản phẩm…

Chỉ còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, ngay từ lúc này các tiểu thương, người kinh doanh buôn bán các mặt hàng thực phẩm, rau quả tại Hà Nội cũng đã bắt đầu tính tới phương án chuẩn bị nguồn cung phục vụ người tiêu dùng.

Huy Trung