Trong 24 giờ qua, số người tử vong do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên toàn cầu đã tăng thêm gần 2.000 ca, lên 16.365 người. Thêm nhiều nước ngày 23/3 đã áp đặt các lệnh phong tỏa cũng như nhiều biện pháp gắt gao khác để khống chế căn bệnh nguy hiểm này.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong 3 tuần kể từ tối 23/3 (Nguồn: AFP)
Anh phong tỏa toàn quốc
Tại Anh, trong 24 giờ qua có thêm 54 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì dịch lên 335 người và 5.837 trường hợp mắc bệnh. Rạng sáng ngày 24/3 (theo giờ VN), Chính phủ Anh áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc trong 3 tuần nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19.
Thủ tướng Boris Johnson cho biết, ông "muốn đưa ra với người dân Anh một hướng dẫn đơn giản: Các bạn phải ở yên tại nhà". Lệnh phong tỏa cũng yêu cầu đóng cửa toàn bộ hoạt động kinh doanh không thiết yếu và cảnh sát sẽ được triển khai để giám sát người dân thực hiện.
Số ca nhiễm mới ở Italy đang tiếp tục đà giảm
Đất nước Italy tiếp tục trải qua một ngày căng thẳng vì cuộc khủng hoảng Covid-19 khi có thêm 602 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 6.077 ca, tức là gần gấp đôi so với con số tử vong tại Trung Quốc đại lục, nơi khởi phát dịch (với 3.270 ca tử vong). Tuy vậy, số ca nhiễm mới ở Italy đang tiếp tục đà giảm của hai ngày trước đó, với 4.789 ca, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 63.927 ca.
Chính phủ Italy đã áp đặt lệnh ngừng mọi hoạt động đi lại trên toàn quốc và ra lệnh đóng cửa toàn bộ các hoạt động kinh tế không thiết yếu trong nỗ lực giữ chân người dân ở trong nhà. Các doanh nghiệp Italy sẽ phải đóng cửa đến ngày 3/4.
Tây Ban Nha: Hơn 3.900 nhân viên y tế nhiễm virus
"Điểm nóng" dịch thứ hai tại châu Âu trong ngày 23/3 tiếp tục diễn biến xấu, khi ghi nhận thêm 4.321 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 33.089, và thêm 434 bệnh nhân tử vong. Như vậy, chỉ sau 3 ngày, số ca tử vong tại nước này từ chỗ vượt ngưỡng 1.000 đã tăng lên 2.206 người.
Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo đang chuẩn bị phát thêm khoảng 650.000 bộ xét nghiệm COVID-19 nhanh, ưu tiên cho các nhân viên y tế tuyến đầu, người già tại các trại dưỡng lão và những người dân trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất. Khoảng 12% số người nhiễm virus SARS-CoV-2, tương đương 3.910 người, là nhân viên y tế.
Mỹ thành "điểm nóng" Covid-19 thứ hai toàn cầu
Chỉ trong 24 giờ qua, nước Mỹ có thêm 7.309 ca nhiễm bệnh mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 vượt qua ngưỡng 40.000 người, với 40.855 bệnh nhân, và 483 người đã tử vong. Tới ngày 23/3 thêm nhiều bang tại Mỹ như Indiana, Michigan, Wisconsin, Oregon đã ra lệnh "trú ẩn tại chỗ", yêu cầu người dân không ra khỏi nhà.
Như vậy, đã có 14 tiểu bang, bao gồm các bang đông dân nhất nước Mỹ như California, New York, Illinois đã áp dụng lệnh tương tự, khiến trên 1/4 dân số Mỹ đang phải cách ly tự giác tại nhà và duy trì khoảng cách tối thiểu 2 mét với người khác.
Tình hình dịch Covid-19 tại Iran tiếp tục diễn biến phức tạp
Tại Iran, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khi trong ngày 23/3, nước này đã ghi nhận thêm 127 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 1.812 ca và tổng số ca nhiễm virus là 23.049 người.
Hãng thông tấn Tasnim đưa tin, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran, Thiếu tướng Hossein Baqeri cho biết 52/58 bệnh viện quân y trên cả nước đã bắt đầu tiếp nhận các bệnh nhân mắc Covid-19.
Cùng ngày, nhà chức trách Iran đã ra lệnh đóng cửa các trung tâm thương mại tại thủ đô Tehran. Iran Mall - trung tâm mua sắm lớn nhất của Iran, ở thủ đô Tehran - sẽ được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến, với sức chứa khoảng 3.000 giường.
Ngày 23/3, Malaysia đã ghi nhận thêm 212 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.518 ca. Đây là mức tăng trong ngày cao nhất được ghi nhận tại quốc gia Đông Nam Á này.
Bộ Y tế Malaysia cho biết trong số các ca mắc trên có khoảng 970 trường hợp liên quan tới sự kiện tôn giáo có khoảng 16.000 người tham gia tại một thánh đường ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur từ hôm 27/2 – 1/3. Trong khi đó, số trường hợp tử vong tại nước này cũng đã tăng lên 14 ca.
Cũng tại Đông Nam Á, Bộ Y tế và Thể thao Myanmar rạng sáng 24/3 thông báo, nước này đã ghi nhận ca đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2. Đó là 2 nam công dân Myanmar vừa trở về từ Mỹ và Anh, hiện đã được điều trị cách ly.
Tính đến chiều 23/3, Indonesia ghi nhận 579 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có tới 49 ca tử vong. Thủ đô Jakarta ngày 23/3 đã ra lệnh đóng cửa các rạp chiếu phim và nhiều trung tâm giải trí khác để hạn chế tốc độ lây lan của dịch Covid-19.
Những biện pháp khẩn cấp này được đưa ra trong bối cảnh một số chuyên gia y tế quan ngại rằng Indonesia chưa thực hiện đủ các biện pháp cần thiết để kiềm chế virus SARS-CoV-2.
Tại Trung Quốc, ngày 23/3, thủ đô Bắc Kinh đã ghi nhận 15 ca nhiễm mới lây nhiễm từ nước ngoài. Trong khi đó, thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát dịch bệnh, không ghi nhận ca nhiễm mới nào.
Hằng Vương(T/h)