Bất chấp bị truy quét, 'cát tặc' vẫn ngang nhiên hoạt động

Mới đây nhất vào khoảng 1h sáng ngày 24/10, tổ tuần tra của Đồn Biên phòng Cần Thạnh đã phát hiện, bắt quả tang 4 sà lan đang có hành vi khai thác cát trên biển nên tiến hành kiểm tra.

Trước đó, sau hơn 5 giờ mật phục trên biển, tổ tuần tra của Đồn Biên phòng Cần Thạnh phát hiện 4 xà lan mang biển kiểm soát SG - 7772 do Vũ Hữu Đức (SN 1970); HD - 2043 do Vũ Hữu Mạnh (SN 1978), cùng có hộ khẩu thường trú tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương làm thuyền trưởng; HP - 4721 do Nguyễn Văn Hùng (SN 1976) và SG - 6764 do Nguyễn Văn Đạo (SN 1994), có hộ khẩu thường trú tại Thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình làm thuyền trưởng đang có hành vi khai thác cát trái phép.

 Tại thời điểm kiểm tra, trên mỗi phương tiện có khoảng 20 máy hút cát với công suất cực lớn đang hoạt động. Các thuyền trưởng không xuất trình được giấy tờ liên quan đến người lao động, phương tiện cũng như không chứng minh được tính hợp pháp của số lượng cát vừa hút dưới biển lên. Tổ công tác đã lập biên bản tạm giữ các phương tiện cùng hơn 2.000 m3 cát để tiếp tục điều tra...

'Cát tặc' lộng hành trên sông Đồng Nai - Bài 2: Tàu hút vẫn hoành hành, dân điêu đứng vì mất đất sản xuất - Hình 1'Cát tặc' lộng hành trên sông Đồng Nai - Bài 2: Tàu hút vẫn hoành hành, dân điêu đứng vì mất đất sản xuất - Hình 1

Bắt quả tang 3 tàu "khủng" khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai

Trước đó, vào rạng sáng 19/10, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) đã phát hiện, truy đuổi và bắt giữ 3 thuyền công suất lớn với hàng chục đối tượng bơm hút, vận chuyển cát trái phép trên sông Đồng Nai, đoạn qua phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa.

Thấy lực lượng chức năng, các đối tượng đã hô hoán, điều khiển thuyền bỏ trốn. Lực lượng công an lập tức truy đuổi, sau khoảng 30 phút đã bắt giữ được các đối tượng và 3 thuyền. Kết quả xác minh ban đầu cho thấy, trên các thuyền đều được trang bị hệ thống bơm hút cát “khủng”, nhiều máy công suất lớn cùng hệ thống vòi to và hàng chục m3 cát (các đối tượng đã bơm hút trộm trước đó).

Làm việc với ngành chức năng, các đối tượng khai nhận, để thực hiện hành vi khai thác cát trái phép, đối tượng vừa điều khiển thuyền chạy chậm trên sông vừa tiến hành bơm hút cát từ lòng sông lên 2 thuyền nhỏ rồi hút lên thuyền lớn, để vận chuyển và đưa về bán cho các bãi cát ven sông Đồng Nai.

Dân điêu đứng vì mất đất

Có thể thấy, tình trạng sạt lở bờ sông Đồng Nai đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai đang diễn ra ngày một phức tạp do nạn khai thác cát trái phép. Nhiều diện tích đất đai, hoa màu, tài sản của người dân sinh sống ven sông và các cù lao giữa sông đã bị nước cuốn trôi và tình trạng này vẫn tiếp tục đe dọa cuộc sống của bà con nơi đây.

Người dân xã cù lao Hiệp Hòa (tức Cù lao Phố, TP Biên Hòa) than thở, đất đai, tài sản của họ đang bị dòng nước “gặm” từng ngày mà không có cách nào khắc phục.

'Cát tặc' lộng hành trên sông Đồng Nai - Bài 2: Tàu hút vẫn hoành hành, dân điêu đứng vì mất đất sản xuất - Hình 2

Dọc bờ sông Đồng Nai nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng

Cách chân cầu Ghềnh mới không xa là mảnh đất và ngôi nhà của cụ ông Lê Văn Chín, năm nay 84 tuổi, ở ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa. Ông Chín chỉ cho chúng tôi  thấy những hàm ếch rộng do dòng nước khoét sâu vào đất, ông Chín cho biết trước đây ranh đất của gia đình ông kéo dài ra phía ngoài sông khoảng 30 mét và trồng nhiều cây trái. Nhưng bây giờ vườn cây ngày trước không còn dấu tích, chỉ còn là dòng nước mênh mông.

Chưa hết, nước sông đang tiếp tục lấn sâu vào. Những khối đất đá đổ xuống, những cọc cừ tràm, kể cả cọc bê tông được gia chủ đóng chặt xuống để giữ đất cũng không ngăn được sạt lở.

Ông Chín lo ngại chẳng bao lâu nữa căn nhà của gia đình ông khó mà giữ nổi: “Cũng làm đại khái, kè bỏ ra cả trăm triệu, năm bảy chục triệu mà đâu có giữ được. Giờ chỉ có Nhà nước làm thôi. Nguyên cái cù lao này lãnh đủ hết, có phải mình tôi đâu. Giờ nó lở riết vô đây thì ở đâu được”.

Nhà cụ ông Lê Văn Chín là một trong số hàng trăm hộ dân sinh sống ở cù lao Hiệp Hòa đang ngày ngày bị dòng nước “ăn dần” đất đai. Ông Trần Thế Hùng cũng ở cù lao Hiệp Hòa nhận xét, dòng sông có bên lở bên bồi, nhưng ngày trước tốc độ sạt lở chậm, vườn nhà ai trồng nhiều cây cối thì vẫn giữ được đất. Nhưng chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, tốc độ sạt lở tăng nhanh đột biến, nhà nào có đất ven sông đều phải bỏ hàng trăm triệu đổ đất đá, đóng cọc, làm kè nhưng không xuể, chỉ vài tháng là đất lại mất hút, sụp đổ xuống lòng sông.

Người dân địa phương cho biết, do nạn khai thác cát từ nhiều năm qua nên giờ lòng đất bị gãy, lún vào trong nội địa chứ không phải như phần ngoài trước đây nữa.

Tình trạng sạt sở này cũng chính là tình trạng chung của nhiều hộ dân sống dọc ven sông Đồng Nai thuộc xã Hiệp Hoà nói riêng và một số địa phương khác trên địa bàn nói chung. Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai bắt hơn 70 vụ khai thác cát tịch thu nhiều phương tiện ghe thuyền các loại. Trong đó, nhiều và phức tạp nhất là đoạn sông Đồng Nai khu vực giáp ranh với thị xã Dĩ An, Tân Uyên của tỉnh Bình Dương, quận 9 –TP Hồ Chí Minh.

Điều đáng nói, hành vi khai thác trái phép trên sông Đồng Nai diễn biến phức tạp, với các thủ đoạn đưa phương tiện ra ngoài khu vực được cấp phép để hút cát, đưa phương tiện không được cấp phép vào khu vực mỏ được cấp phép, khai thác vượt thời gian theo qui định nhằm tăng công suất khai thác.

Không những thế, trên các phương tiện còn trang bị cả ống nhòm để theo dõi, quan sát phát hiện lực lượng chức năng từ xa để đối phó nên việc cơ quan chức năng bắt quả tang, xử lý những phương tiện vi phạm vẫn còn rất ít so với thực trạng diễn ra.

Theo ông Phạm Anh Dũng - Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, thành phố cũng đã chỉ đạo ngành chức năng Phòng Tài nguyên môi trường, Công an và các phường, xã tập trung phối hợp tuần tra kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm; thứ 2 là cho lắp đạt came ra giám sát ở một số khu vực trọng điểm, hiện một số điểm làm khá tốt tuy nhiêm một số khu vực trong điểm thì đang triển khai.

Có một bất cập hiện nay là, đa số các vụ khai thác cát trái phép bị lực lượng chức năng phát hiện truy bắt thì cuối cùng cũng chỉ thu giữ ghe, thuyền mà khó bắt giữ được các đối tượng để xử lý. Thậm chí khi bắt được các đối tượng, cũng chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính nên chưa có sức răn đe. Trong khi giá cát ngày càng cao và trở nên siêu lợi nhuận từ khai thác cát trái phép, do đó các đối tượng vẫn lén lút và bằng các biện pháp khá tinh vi để thực hiện bơm hút cát trái phép để trục lợi.

Hải Đăng